Công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10: Như trò chơi "ú tim"

25/02/2024 20:01:02

Năm nay là năm cuối cùng lứa học sinh lớp 9 thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Do vậy, việc thi 3 hay 4 môn để vào lớp 10 công lập đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh.

"Thót tim" chờ môn thứ 4 vào lớp 10

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là chặng đường nước rút của học sinh cuối cấp, đặc biệt là học sinh lớp 9 sẽ phải đối diện với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập có tỷ lệ cạnh tranh "khốc liệt", được ví là căng thẳng hơn cả thi vào đại học.

Hằng năm vào khoảng tháng 3, ngoài 3 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố tiếp môn thi thứ 4 được lựa chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thời gian công bố muộn, học sinh không có nhiều thời gian ôn thi, tâm lý chờ đợi căng thẳng… đang là lý do khiến nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn Sở GD&ĐT bỏ môn thi thứ 4.

Từng có con tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cách đây vài năm, năm nay có con thứ hai chuẩn bị thi vào lớp 10, chị Đào Thị Nhuần, phụ huynh học sinh Trường THCS Thanh Xuân cho rằng, việc thi thêm môn thứ 4 là không cần thiết vì thực chất học sinh đã được xét hoàn thành chương trình (tốt nghiệp) trước khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

"Theo tôi, kỳ thi này không phải kỳ thi tốt nghiệp THCS để phải thi nhiều môn tránh việc học sinh học tủ, học lệch. Mục tiêu của kỳ thi là tuyển chọn trong tình huống cầu nhiều hơn cung. Việc yêu cầu học sinh phải ôn thi thêm môn thứ 4 chỉ khiến các con căng thẳng. Hơn nữa, năm nào cũng thế, chỉ còn vài tháng nữa là hết năm học mới có phương thức thi, mới biết thi những môn nào khiến học sinh phải gồng lên ôn tập".

Không chỉ chị Nhuần mà đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều bậc cha mẹ có con năm nay tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội.

Chị Nguyễn Hạnh Chi (có con học lớp 9 ở Văn Phú, Hà Đông) nêu ý kiến, thời gian công bố thi môn thứ 4 như hiện nay hoàn toàn không hợp lý, giống như đánh đố với học sinh và thầy cô. Việc công bố môn thi vào tháng 3 là mốc thời gian quá sát ngày thi khiến cả học sinh, phụ huynh và nhà trường rất vất vả và áp lực khi phải phân bổ thời gian cho môn thi này trong giai đoạn nước rút.

Công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10: Như trò chơi
 

Thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2023-2024.

Theo chị Chi, nên bỏ hẳn môn thứ 4 vì nhiều lý do. "Thứ nhất, việc thêm 1 môn thi không làm cho việc đánh giá học tập trong 9 năm của học sinh chuẩn xác hơn. Thứ hai, việc bỏ môn thi thứ 4 sẽ tiết kiệm được ngân sách Nhà nước cho công tác thi cử cũng như tiết kiệm chi phí học hành của phụ huynh, rất mong Sở GD&ĐT Hà Nội xem xét".

Là phụ huynh có con năm trước cũng vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10, anh Nguyễn Nam (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết, thời gian này năm ngoái gia đình anh Nam cũng rất lo lắng. Con trai anh phải ôn tất cả các môn vì không biết sẽ thi vào môn nào và có thi môn thứ 4 hay không. "Không chỉ con gặp áp lực và bị quá tải mà gia đình cũng vô cùng căng thẳng. Tại sao cứ luẩn quẩn với việc thi 3 hay 4 môn. Nên cố định phương án và môn thi chứ "bác Sở" không nên "chơi ú tim" cứ để đến tháng 3 mới công bố môn thi thứ 4 hoặc không thi môn thứ 4.

Vấn đề công bố các môn thi vào lớp 10, tôi nghĩ Sở GD&ĐT Hà Nội nên tiến hành ngay từ đầu năm học để nhà trường, phụ huynh và học sinh tránh bị áp lực vì phải chờ đợi. Ai cũng biết đây là kỳ thi rất quan trọng và căng thẳng hơn cả thi đại học. Việc xác định ôn trọng tâm vào các môn mục tiêu là điều cần thiết. Giáo dục là phải có lộ trình chi tiết của một năm học, không nên để tình trạng đến môn thi hết cấp cũng không có định hướng cụ thể".

Nhiều tỉnh thành "quay xe", lấy ý kiến thi 3 hay 4 môn vào lớp 10

Thời điểm này, hơn 20 tỉnh, thành phố đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Trong đó, đa số địa phương tổ chức một kỳ thi chung để tuyển sinh. Thí sinh thực hiện 3 bài thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đang tính toán thi 3 hoặc 4 môn.

Mới đây, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng đưa ra 2 phương án cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập để khảo sát ý kiến học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý. Trong đó, phương án 1 là thí sinh dự thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Phương án 2 là thí sinh dự thi 4 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và bài tổ hợp. Bài thi tổ hợp sẽ có kiến thức Ngoại ngữ và 1 môn được bốc thăm từ trong các môn còn lại.

Lý giải về việc đưa ra khảo sát, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết nhằm đạt sự đồng thuận cao trong xã hội đồng thời là căn cứ để đơn vị trình UBND thành phố về phương thức tuyển sinh.

Đối với tỉnh Bắc Giang, theo kế hoạch ban đầu, Bắc Giang tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 với 4 môn thi là Toán, Ngữ văn và tiếng Anh và môn thi thứ tư (bốc thăm trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Song, tuần qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang đã ký tờ trình gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang xem xét giảm xuống còn 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn và tiếng Anh.

Sở GD&ĐT Bắc Giang lý giải, học sinh lớp 9 hiện nay trong 4 năm học THCS thì có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các em đang học chương trình giáo dục phổ thông 2006; năm tiếp theo lên lớp 10 THPT được học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do vậy, việc chỉ tổ chức thi 3 môn sẽ giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh.

Thi 3 môn đã đủ điều kiện để phân loại học sinh và chọn thí sinh vào lớp 10?

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội) cho rằng ,thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập tại Hà Nội ngoài 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ, không nên thêm môn thứ 4. Với 3 môn thi đã đủ để đạt yêu cầu của kỳ thi (các trường lựa chọn, tuyển sinh đủ chỉ tiêu). Hơn nữa, việc thi thêm môn thứ 4 cũng không phù hợp khi từ năm học 2022-2023 học sinh vào lớp 10 đã học chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) cho biết, cơ bản phụ huynh và giáo viên luôn mong muốn một sự ổn định về cách thức thi tuyển sinh vào lớp 10. Việc thay đổi nhiều sẽ khiến học sinh và phụ huynh tâm tư, lo lắng.

Hiệu trưởng Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp nhận định, việc thi 3 môn đã đủ điều kiện để phân loại học sinh và chọn lựa thí sinh vào lớp 10. Điều này cũng giúp giảm áp lực đáng kể cho học sinh; tiết kiệm được ngân sách Nhà nước cho công tác thi cử cũng như tiết kiệm chi phí học hành của phụ huynh; giảm áp lực cho các cán bộ, thầy cô làm công tác tổ chức kỳ thi bao gồm coi thi, chấm thi, xét tuyển.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025, học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 em so với năm ngoái.

Kỳ thi lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học này tại Hà Nội tiếp tục triển khai theo phương thức thi tuyển. Theo dự kiến, đầu tháng 6, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Tháng 7, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 THPT.

Theo Đỗ Vi/SKĐS

 

 

banner-song-va-may-tinh-01_-30-10-2021-15-16-54.jpg