Tránh nhầm "điểm sàn" với điểm chuẩn đầu vào

28/07/2022 17:16:49

Nhiều trường đại học đã thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, việc này là cần thiết; đồng thời có những phân tích, dự báo điểm chuẩn năm nay, từ đó đưa ra lời khuyên với thí sinh.

 

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không phải là điểm chuẩn trúng tuyển

ĐH Quốc gia Hà Nội đã thông báo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm. Mức điểm này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, chưa nhân hệ số.

Ngày 27/7, Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký và quy trình xét tuyển đại học chính quy phương thức 3 và 4 năm 2022, gồm: Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo đó, tại trụ sở chính Hà Nội, TPHCM, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (phương thức xét tuyển 4) các tổ hợp A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07, thí sinh phải đạt thấp nhất là 23,5 điểm mới đủ điều kiện xét tuyển. Riêng bốn tổ hợp: A00, A01, D01, D07 tại cơ sở Quảng Ninh, thí sinh cần đạt tối thiểu 20 điểm. Mức điểm nhận hồ sơ ở trên đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.

PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) - thông tin, Hội đồng Tuyển sinh của trường đã thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo đó, với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp 3 môn đăng ký trong Đề án tuyển sinh, thí sinh phải đạt từ 20 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển vào trường; còn với phương thức kết hợp (có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT) thì tổng điểm 2 bài thi/môn thi (gồm môn Toán và môn còn lại trong tổ hợp đăng ký xét tuyển, không bao gồm môn Ngoại ngữ) phải đạt từ 13 điểm trở lên.

Nhấn mạnh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không phải là điểm chuẩn trúng tuyển, PGS.TS Nguyễn Viết Thái đồng thời lưu ý, thí sinh tránh nhầm lẫn hai khái niệm này. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là mức điểm để nhận hồ sơ xét tuyển, hay còn gọi là “điểm sàn”. Còn điểm chuẩn được hiểu là mức điểm trúng tuyển mà thí sinh đủ điều kiện làm thủ tục xác nhận nhập học để trở thành sinh viên của trường.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: TG

Không lo trượt đại học

PGS.TS Nguyễn Viết Thái khuyến cáo, thí sinh có thể nghiên cứu, tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển vào trường của 1 - 2 năm gần đây; sau đó đối chiếu với mức điểm của mình để cân nhắc. Ngoài ra, dựa trên phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy, có số lượng lớn thí sinh nằm trong khoảng từ 21 đến 26 điểm, điểm môn Tiếng Anh có giảm nhẹ. Do đó, điểm chuẩn không có nhiều biến động so với năm trước.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Thái, Quy chế tuyển sinh năm nay có lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, các em phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống sẽ tiến hành lọc ảo, xét tuyển, giúp thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng phù hợp nhất.

“Thí sinh đang trong giai đoạn thực hiện quyền đăng ký xét tuyển. Vì vậy, các em cần nghiên cứu thật kỹ ngành, trường học dự định đăng ký xét tuyển” - PGS.TS Nguyễn Viết Thái khuyến cáo, đồng thời viện dẫn, nếu các em yêu thích ngành kế toán thì có thể lựa chọn một vài trường cùng đào tạo ngành này để đăng ký, nhưng nên đặt nguyện vọng 1 là trường mà mình yêu thích nhất, sau đó sắp xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên.

Một vài năm gần đây, mức điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương dao động từ 26 - 27 điểm trở lên (tùy từng ngành). Năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT có sự phân hóa nên số thí sinh đạt được mức điểm trên có giảm so với năm trước.

Cho rằng, năm 2022, phương thức xét tuyển có nhiều thay đổi, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương - nhìn nhận: Nhiều trường giảm chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển riêng. Dự kiến điểm chuẩn không có nhiều biến động, thậm chí không tăng so với năm trước. Trường ĐH Ngoại thương đã công bố ngưỡng điểm nộp hồ sơ xét tuyển. Thí sinh có thể soi chiếu và nhận định mình thuộc nhóm có khả năng xem xét trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương hay không để đăng ký.

Phân tích phổ điểm xét tuyển theo các khối thi, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - trao đổi, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay không có nhiều biến động. Những ngành xét tuyển có tổ hợp môn Tiếng Anh có thể điểm chuẩn giảm so với năm trước. Tuy nhiên, nhìn chung, về cơ bản phổ điểm đẹp và thuận lợi cho thí sinh xét tuyển ở tất cả tổ hợp. Các tổ hợp khối D có môn Ngoại ngữ về căn bản vẫn tốt, không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh.

Nhấn mạnh, thí sinh phải nhớ mã đối với từng phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - lưu ý: Cùng một ngành đào tạo nếu có nhiều phương thức xét tuyển sẽ có số mã tương ứng. Ngoài ra, với thí sinh tham gia xét tuyển phương thức riêng của các trường đã được thông báo trúng tuyển có điều kiện, cần đăng ký nguyện vọng này trên Hệ thống theo lịch từ 22/7 đến 20/8. Nếu bỏ qua bước này, dù các trường xác nhận nhưng thí sinh vẫn không được công nhận đã trúng tuyển và mất cơ hội học đại học.

“Việc các trường công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là cần thiết, phù hợp với tự chủ đại học và thuận lợi cho thí sinh khi tham gia đăng ký xét tuyển. Thí sinh cần tham khảo điểm trúng tuyển các năm gần nhất theo các phương thức xét tuyển vào ngành, trường khác nhau để quyết định đăng ký”. - PGS.TS Nguyễn Viết Thái

Theo Minh Phong/GD&TĐ

banner-song-va-may-tinh-01_-30-10-2021-15-16-54.jpg