EMG bị tố tận thu từ chương trình tiếng Anh tích hợp

05/10/2021 11:09:39

Nhiều phụ huynh có con em đang theo học chương trình tiếng Anh tích hợp của EMG (Công ty cổ phần Quản lý giáo dục và Đầu tư EMG) tại các trường tiểu học và trung học cơ sở ở TP. HCM bức xúc, gửi đơn kiến nghị lên các cấp quản lý giáo dục vì thu học phí quá cao nhưng không mang lại chất lượng cao do bố trí cho học sinh học trực tuyến quá đông.

Trụ sở Công ty Cổ phần Quản lý giáo dục và Đầu tư EMG.

Phụ huynh cho rằng lớp học trực tuyến quá đông

Trong đơn kiến nghị một số phụ huynh cho biết mỗi tuần chương trình tiếng Anh tích hợp bậc tiểu học, THCS có 8 tiết với giáo viên nước ngoài, nay giảm số tiết học với giáo viên nước ngoài thì mức học phí tính lại, chứ thật ra đơn vị này không giảm mặc dù tình hình dịch bệnh Covid kéo dài khiến nhiều phụ huynh rất khó khăn. Cụ thể, một phụ huynh có con đang học tiểu học ở TP.Thủ Đức (TP. HCM) cho biết, con anh đang học chương trình tiếng Anh tích hợp bằng hình thức trực tuyến vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, việc học trực tuyến không hiệu quả, vì học liên tục từ 90 -120 phút/buổi với 30-40 học sinh mỗi lớp.

Theo phụ huynh này, sau mỗi 45 phút học cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi để học sinh thư giãn, đồng thời, giảm số lượng học sinh xuống một nửa. Thời gian học cũng chỉ nên đến 17h chiều là kết thúc. Bởi học sinh còn các lớp ngoại khóa học trực tuyến, nghỉ ngơi và ăn tối với gia đình. Ngoài ra, EMG Education (đơn vị thực hiện chương trình này) không thực sự giảm học phí trong thời gian dịch bệnh. Việc họ thông báo giảm học phí từ 10,8 triệu đồng xuống còn 8,1 triệu đồng/3 tháng (9,10,11), thực chất là thay 8 tiết/tuần có giáo viên nước ngoài xuống 6 tiết/tuần với giáo viên người nước ngoài, 2 tiết giáo viên Việt Nam trợ giảng.

Tương tự, nhiều phụ huynh khác hiện đang có con theo học chương trình Anh văn tích hợp tại quận 1 cũng cho rằng, với mức học phí như trên, mà học sinh vẫn phải học trực tuyến thì là quá cao.

Các phụ huynh cũng cho rằng, việc học trực tuyến là không hiệu quả, do chương trình tiếng Anh tích hợp khá nặng. Lớp học lại quá đông, học sinh ít được tương tác với giáo viên đứng lớp.  Nên cần phải giảm học phí xuống thấp hơn nữa và tách lớp làm hai, để học sinh có thể tương tác nhiều hơn với giáo viên - nhất là đối với các em học sinh nhỏ tuổi. Ngoài ra, phụ huynh cũng cho rằng chi phí tiền sách là quá lớn.

Thu lợi nhuận khủng giữa “cơn bão” đại dịch

Phản ánh đến các cơ quan báo chí, nhiều phụ huynh cũng cho biết, chương trình tiếng Anh tích hợp này thay thế cho chương trình Cambridge trước đó.

Để hiểu rõ về doanh thu “khủng” từ chương trình tiếng Anh tích hợp mà EMG đang triển khai thay thế cho chương trình Cambridge tại các trường trên địa bàn TP. HCM, trao đổi với phóng viên, một số phụ huynh cho rằng, chỉ cần nhẩm tính khoảng 30 trường giảng dạy chương trình, mỗi trường tính trung bình khoảng 5 lớp, mỗi lớp khoảng 30 học sinh thì tổng số học sinh theo học chương trình là 4.500; học phí chương trình từ lớp 1-3: 150 USD, lớp 4-5: 200 USD/tháng; lợi nhuận mà chương trình tiếng Anh tích hợp này mang lại rất lớn.

Được biết, EMG (EMG Education) là đối tác của Sở GD - ĐT TP. HCM trong việc triển khai chương trình Cambridge đưa ra mức giá 180 USD/tháng và thông tin trên báo giới là 131.000 đồng/giờ. Nếu chỉ lấy mức công bố của EMG là 3.144.000 đồng/tháng (24 giờ/tháng) và tính 1 năm học trong 10 tháng, doanh thu hằng năm từ học phí của chương trình là hơn 141 tỉ đồng (khoảng 6,75 triệu USD). Trong khi đó, chi phí EMG bỏ ra chủ yếu chỉ gồm 15% chiết khấu cho trường.

Bản thông báo phí của Cambridge chia ra làm hai phần: Phí trả một lần để trở thành trường thành viên của Cambridge khoảng 13.000 USD và phí trả thường niên là 11.000 USD/trường/năm (trả cho việc khảo sát, làm hồ sơ, huấn luyện giáo viên, bộ máy…). Phí trả thường niên tính theo trường và trả mỗi năm, bất kể số lượng học sinh là bao nhiêu. Ví dụ trường có 1.000 học sinh thì phân bổ 11 USD/học sinh/năm, tức khoảng 1,1 USD/học sinh/tháng (chỉ khoảng 23.000 đồng/tháng). Trường có 500 học sinh thì phí thường niên phân bổ trên mỗi học sinh sẽ tăng gấp đôi so với trường 1.000 học sinh nhưng cũng chỉ vào khoảng 2,2 USD/học sinh/tháng. Về phí trả thường niên, nếu trả một lần phân bổ ra 5 năm chẳng hạn thì 13.000 USD/60 tháng/1.000 học sinh thì mỗi học sinh sẽ chỉ mất 0,2 USD/tháng.

Như vậy, tổng phí bản quyền của Cambridge chỉ là 1,1 USD + 0,2 USD = 1,3 USD/tháng (số liệu phân bổ giả định cho một trường có 1.000 học sinh theo học).

Hiện nay, lương giáo viên đạt chuẩn khoảng 25 USD/tiết. Mỗi tháng, mỗi lớp cung cấp cho học sinh 24 tiết học (6 tiết/tuần), tức mỗi lớp sẽ trả cho giáo viên khoảng 600 USD. Giả định có 35 học sinh/lớp thì lương giáo viên phân bổ cho mỗi học sinh tối đa là 20 USD/tháng.

Như vậy, bản chiết tính giá thành cho việc học Cambridge được tạm tính theo một tháng: phí bản quyền (1,3 USD) + lương giáo viên (20 USD) + phí quản lý (10 USD). Như vậy, tối đa học phí sẽ chỉ khoảng 35 USD - 50 USD/tháng.

Bên cạnh đó, một phần chi phí rất lớn là phòng học, cơ sở vật chất và tuyển sinh thì EMG đã được Sở GD - ĐT TP. HCM “hỗ trợ” sẵn từ các trường công lập. Thậm chí, các phương tiện được trang bị trong phòng như máy chiếu, bảng điện tử... đều do phụ huynh đóng góp để mua từ trước đó.

Như vậy, lợi nhuận thu về cho đơn vị thực hiện chương trình Cambridge là rất lớn. Trong khi đó, với chương trình tiếng Anh tích hợp mà Sở GD - ĐT TP. HCM thay thế chương trình Cambridge, phí “bản quyền” cho phía CIE không còn tồn tại, nghĩa là lợi nhuận còn cao hơn cả chương trình tiếng Anh Cambridge.

Trong một thông cáo báo chí được gửi đi bởi đại diện EMG cho biết, căn cứ pháp lý để thu học phí chương trình này là các văn bản trước đây, và mới đây nhất là văn bản 2462/SGDĐT-KHTC của Sở GD - ĐT TP. HCM về tiếp tục hướng dẫn thu, sử dụng các khoản thu khác trong năm học 2021-2022 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Đại diện EMG cho rằng đây là chương trình có yếu tố nước ngoài, nên chi phí vận hành tăng cao hơn rất nhiều trong thời gian diễn ra đại dịch. Ngoài tăng chi phí tuyển dụng, mời gọi giáo viên nước ngoài đến Việt Nam làm việc, giảng dạy, thì công ty còn phải tăng thêm các chi phí khác cho công tác phòng chống Covid-19 như cách ly, xét nghiệm…

Đại diện EMG Education cũng cho rằng, đây là chương trình hoàn toàn mang tính chất tự nguyện, nên phụ huynh hoàn toàn có quyền lựa chọn việc học phù hợp cho con em của mình (?!).

Theo thông tin tìm hiểu, EMG (Công ty cổ phần Quản lý giáo dục và Đầu tư EMG) là một tổ chức giáo dục tư nhân thành lập từ năm 2005 chuyên cung cấp các sản phẩm như chương trình tích hợp, các bài thi Pearson Test và các chương trình đào tạo giáo viên. Công ty EMG do doanh nhân Trương Quốc Hùng đại diện pháp luật.

Ngoài ra doanh nhân Trương Quốc Hùng cũng là người đại diện pháp luật cho một loạt công ty khác với các ngành nghề kinh doanh từ giáo dục đến bất động sản như: Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển bất động sản Golden Sand, Công ty Cổ phần ICDL Miền Nam…

Theo Đăng Dương/Kiểm sát

banner-song-va-may-tinh-01_-30-10-2021-15-16-54.jpg