Quản lý hành chính nhà nước (QLHCNN) là hoạt động thực thi quyền hành pháp của nhà nước, hoạt động này đạt hiệu quả hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, trước hết là tính hợp pháp, hợp lý, tính khả thi mà khi thực hiện phải đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích tập thể, lợi ích cá nhân.
Thực thi Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030”, và Quyết định 3246/QĐ-BVHTTDL của bộ trưởng bộ VH TT&DL ký ngày 14/12/2021 về “Phê duyệt chương trình bơi an toàn phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành văn hoá thể thao và du lịch”,”các địa phương trong cả nước đã đề ra nhiều chương trình hành động rất thiết thực nhằm hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em, một thực trạng rất báo động ở nước ta.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang gặp rào cản từ hành lang pháp lý ở một số địa phương, cụ thể trong đó có một hồ bơi được xây dựng tại Phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân – Tp.HCM.
Trẻ em là một đối tượng cần được quan tâm chăm sóc một các “đặc biệt”, nhất là trong việc chăm sóc sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0 -14 tuổi tại Việt Nam là 5,7/100.000, cao hơn so với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (4,2/100.000), và toàn cầu (4,1/100.000).
Ở Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động bơi lội và các hoạt động dạy bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhất là các bé trong độ tuổi tiểu học đã được đẩy mạnh trong nhiều năm nay. Tuy vậy, theo số liệu thống kê của các Sở GD - ĐT, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ chưa đến 9% trường học có bể bơi.
Các hoạt động bơi lội, rèn luyện sức khỏe cộng đồng tại các hồ bơi trên địa bàn thành phố lại càng hiếm hoi, lý do là quỹ đất cho việc xây dựng hồ bơi phục vụ cộng đồng gần như không còn. Quỹ đất ở TP.HCM dành cho mô hình xây dựng hồ bơi khá hiếm, đa số được xây dựng kết hợp trong các công trình, dự án “Nhà ở hình thành trong tương lai”, cụ thể là ở các chung cư phân khúc từ trung cấp trở lên. Vì các các tiện ích đi kèm như: hồ bơi, phòng tập gym, phòng tập Yoga, sân bóng…. chính là một trong các yếu tố thu hút giới đầu tư Bất Động Sản và người mua nhà quan tâm tìm hiểu.
Khi phóng viên đi tìm hiểu tại hồ bơi Tri Kỷ (nằm trong khuôn viên dự án Chung cư Nhà Sài Gòn tại địa chỉ số 819 Hương lộ 2- phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), khu vực hồ bơi được bố trí tách biệt nằm dưới chân của toà nhà chung cư cao 17 tầng, hồ bơi này thuộc quyền quản lý và điều hành của Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Nhà Sài Gòn, (địa chỉ: số 39, Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 1, quận Gò Vấp, Tp.HCM).
Qua quan sát thì các đối tượng khách tới tham gia thể thao bơi lội nơi đây là cư dân sống tại chung cư Saigonhomes, khách vãng lai trên địa bàn, những người lớn tuổi tham gia bơi lội để chữa các bệnh liên quan đến xương khớp …; đặc biệt một số lượng lớn là các em học sinh trong độ tuổi tiểu học đến tham gia các lớp học bơi phòng chống đuối nước, do nơi đây là một trong số ít cơ sở dạy bơi đáp ứng đủ điều kiện về đào tạo bơi an toàn.
Qua tìm hiểu, với chất lượng dạy bơi nhiều năm qua, hồ bơi này đã được lãnh đạo các trường học và rất nhiều phụ huynh trên địa bàn tin tưởng lựa chọn để cùng phối hợp đào tạo bơi lội phòng chống đuối nước cho học sinh theo kế hoạch năm học của Sở GD-ĐT Tp.HCM và phòng GD-ĐT quận Bình Tân.
Ngoài ra, hồ bơi này còn thường xuyên có sự phối hợp với Trung tâm Văn hoá – Thể dục Thể thao (TTVH – TDTT) quận Bình Tân tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận “Tiêu chuẩn phổ cập bơi” cho học sinh trên địa bàn quận Bình Tân và một số quận lân cận không có điều kiện tổ chức kiểm tra như Quận Tân Phú, quận 8, huyện Bình Chánh…
Một phụ huynh đưa con đến bơi giải trí cho biết: Trước đây chị rất khó khăn, vất vả trong việc tìm cơ sở đào tạo kỹ năng bơi lội cho con cái cũng như việc đưa đón con đi học bơi, vì các địa điểm đủ điều kiện thì lại ở rất xa, từ khi hồ bơi tại đây được mở ra đã giải quyết được vấn đề nan giải trên của chị và gia đình, các con của chị gồm 2 bé đã được huấn luyện viên tại đây dạy bơi, đến nay các bé đã biết bơi thành thạo, chị rất vui và an tâm, tin tưởng nên đã giới thiệu thêm nhiều người thân của chị đưa con em đến đây học, và giờ cứ cuối tuần, các bé lại đòi chở tới đây vui chơi, riết rồi làm “khách hàng thân thiết” của hồ bơi luôn vì hơn 3 năm qua tuần nào chị cũng chở con đến đây bơi.
Theo Ông Phạm Hoài Thạnh (Trưởng Phòng kỹ thuật Công Ty TNHH Nhà Sài Gòn – Chủ đầu tư dự án), thì khu vực hồ bơi được triển khai theo đúng với công năng thể hiện tại bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 được UBND quận Bình Tân chấp thuận tại Công văn số 1228/UBND ngày 19/4/2017; ý kiến của Sở Xây dựng tại Công văn số 9997/SXD-PTĐT ngày 09/08/2019; cũng như phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được Sở Xây dựng thẩm định tại Công văn 12279/SXD-KTXD ngày 15/8/2017.
Tuy nhiên, sau hơn 05 năm đưa vào hoạt động ổn định, thì vào đầu năm nay, hồ bơi này đang trong tình trạng khiếu nại kéo dài khi thanh tra Sở xây dựng Tp.HCM ban hành Quyết định số 12/QĐ-KPHQ ngày 25/3/2024, Quyết định số 112/QĐ-CCXP ngày 13/9/2024, buộc Chủ đầu tư tháo dỡ hạng mục hồ bơi này (người ký Quyết định là ông Huỳnh Lê Công Trường - Phó Chánh thanh tra Sở xây dựng Tp.HCM).
Một điều nghịch lý ở đây là trong quá trình thi công xây dựng dự án (từ năm 2017 đến năm 2019), Thanh tra Sở xây dựng đã phối hợp với Thanh tra địa phương nhiều lần kiểm tra công tác thi công dự án, biên bản Thanh Tra Sở xác nhận thời điểm đó đã biết Chủ đầu tư đang thi công xây dựng hồ bơi này, nhưng không có một biên bản vi phạm hay một quyết định xử phạt hành chính nào được lập về việc “xây dựng hồ bơi phát sinh ngoài giấy phép”, mà tất cả các biên bản làm việc đều xác nhận chủ đầu tư triển khai dự án đúng Giấy phép đã được cấp.
Và hiển nhiên, thanh tra Sở cũng không có hướng dẫn nào để công ty TNHH Nhà Sài Gòn thực hiện các thủ tục bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng (nếu Thanh tra Sở nhận thấy xây dựng sai quy định).
Cũng theo Đại diện Chủ đầu tư, ngoài 02 Quyết định trên, Sở Xây dựng còn ban hành thêm Công văn số 9463/SXD-CPXD ngày 9/10/2024 với nội dung đề nghị Chủ đầu tư “….không được kinh doanh, sử dụng hạng mục hồ bơi mà chỉ được sử dụng với chức năng là hồ nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy của chung cư (theo thiết kế về phòng cháy chữa cháy đã được Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ -Công an Thành phố Hồ Chí Minh thẩm duyệt và nghiệm thu)”.
Trong khi hồ bơi này là tài sản sở hữu riêng của chủ đầu tư, kinh phí đầu tư xây dựng hồ bơi không hạch toán vào trong giá bán căn hộ chung cư, thể hiện trên hợp đồng mua bán Công ty đã ký kết với khách hàng, đã được lập hồ sơ hoàn công, đồng thời được cơ quan quản lý chuyên ngành nghiệm thu đầy đủ, nên chủ đầu tư đã đưa hồ bơi vào khai thác kinh doanh từ năm 2019 đến nay theo “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” số 41W8053165 và đã đăng ký thuế theo quy định.
Tại Quận Bình Tân, hoạt động “xã hội hoá giáo dục” cho công tác “phòng chống đuối nước cho trẻ em” được hiện thực hoá một cách cụ thể và sống động khi lãnh đạo TTVH-TDTT Quận cùng các cấp chính quyền địa phương trong năm qua đã vận động và phối hợp cùng Doanh nghiệp địa phương lắp đặt được khoảng 5 “hồ bơi di động” tại một số trường có sân bãi rộng rãi trên địa bàn, đã và đang lần lượt đưa vào hoạt động trong các năm học tiếp theo, vậy thì đối với một hồ bơi đã được đầu tư xây dựng bài bản, được nghiệm thu đưa vào sử dụng hơn 05 năm và đang phát huy hiệu quả như hồ bơi Tri Kỷ ở dự án Khu chung cư Saigonhomes nói riêng và các dự án tương tự ở thành phố nói chung, thì kết quả xử lý của thanh tra Sở Xây dựng như trên liệu có phù hợp với thẩm quyền, chức năng quản lý của một cơ quan QLHCNN? chưa kể, việc xử lý bằng hình thức “cưỡng chế, tháo dỡ” hồ bơi này qua 2 quyết định của thanh tra Sở xây dựng đã gây mâu thuẫn, gây tranh cãi về tính pháp lý, và gây khó khăn cho các cơ quan thực thi cấp dưới là UBND Quận Bình Tân, vì nhận ra tồn tại sự mâu thuẫn giữa tính hợp pháp và hợp lý ở các loại văn bản và quyết định này.
Như đã đề cập, QLHCNN trước hết là tính hợp pháp và hợp lý phải là tiêu chí đặt lên hàng đầu, phù hợp với quy định của pháp luật nhưng không tách rời giữa lợi ích của nhà nước với lợi ích của các tập thể, cá nhân. Phương án xử lý của Thanh tra Sở Xây dựng như vậy đối với hồ bơi của công ty TNHH Nhà Sài Gòn đặt tại địa bàn phường Bình Trị Đông A, Quận Bình Tân liệu có làm gia tăng thêm khó khăn trong việc đào tạo kỹ năng bơi sinh tồn cho trẻ em nhằm hạn chế tai nạn đuối nước hiện tại vốn đang vô cùng cấp bách vì thiếu thốn cơ sở vật chất, và nhất là thiếu thốn quỹ đất xây dựng hồ bơi hiện nay tại Tp.HCM nói chung và Quận Bình Tân nói riêng.
Trong bối cảnh các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đang “gồng mình lên” để tìm mọi giải pháp nhằm giảm đi nỗi đau từ tai nạn đuối nước, giảm đi các gánh nặng mà tai nạn này gây ra cho gia đình và xã hội vốn đang tạo ra một gánh nặng về kinh tế và nhân lực cho quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng, thì cần phải xem xét lại các yếu tố hợp lý, khả thi và hợp pháp toàn diện, phải đảm bảo vì mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài của các quyết định này của Thanh tra Sở Xây dựng.
Thanh Việt
30/11/2024 16:48:46
01/12/2024 14:03:49
11/11/2020 08:44:49
11/11/2020 08:52:10
11/11/2020 08:56:48
11/11/2020 09:14:01
11/11/2020 09:15:39
18/11/2020 12:37:52
23/11/2020 19:30:36
28/11/2020 16:31:17