Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành "Cẩm nang thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP" nhằm phổ biến chính sách pháp luật về giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân, các cấp quản lí trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Ngày 8.9.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó tại các Điều 5, 8, 10 quy định chính sách đặc thù đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp. Điểm đặc biệt của các chính sách này là mức hỗ trợ cụ thể do các tỉnh / thành phố quyết định thực hiện tại địa phương.
Sau 3 năm triển khai thực hiện chính sách, đến nay hầu hết các tỉnh/thành phố đã ban hành văn bản theo thẩm quyền quy định mức hỗ trợ cụ thể và hướng dẫn các cấp quản lý triển khai thực hiện chính sách. Kinh phí hỗ trợ đã tới đối tượng thụ hưởng gồm: trẻ em là con công nhân, giáo viên mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách ở địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc về cách xác định đối tượng, địa bàn được hưởng chính sách, thủ tục thực hiện, một số cha mẹ trẻ chưa hiểu rõ về chính sách để thực hiện thủ tục đề nghị hỗ trợ…
Nhằm phổ biến chính sách pháp luật về giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân, các cấp quản lí trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng “Cẩm nang hỏi đáp thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP”.
Trẻ em mầm non được hỗ trợ từ 160.000 đồng/trẻ/tháng
Theo đó, đối tượng hưởng chính sách này là trẻ em mầm non, bao gồm cả trẻ em nhà trẻ (3 đến 36 tháng tuổi) và trẻ em mẫu giáo (3 - 5 tuổi), đáp ứng các điều kiện sau: đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định. Có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (người giám hộ) là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Mức trợ cấp đối với trẻ mầm non kể trên theo mức quy định tại Nghị quyết Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố (tối thiểu là 160.000 đồng/trẻ/tháng). Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Chính sách này sẽ được chi trả như sau: sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ sở giáo dục mầm non thông báo công khai danh sách trẻ em mầm non được hưởng trợ cấp.
Cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm tiếp nhận kinh phí và chi trả kinh phí trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Thời gian chi trả thực hiện 2 lần trong năm học: lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm; lần 2 chi trả đủ các tháng còn lại vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm. Trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em chưa nhận được kinh phí hỗ trợ học phí theo thời hạn thì được truy lĩnh trong kì chi trả tiếp theo.
Trường hợp trẻ em thôi học, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm báo cáo phòng giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trình UBND cấp huyện dừng thực hiện chi trả chính sách.
12 tỉnh chưa có nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được thực hiện theo Điều 10, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Trong đó, các đối tượng được hỗ trợ là giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp.
Các giáo viên mầm non bảo đảm điều kiện: Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. c. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học.
Mức hỗ trợ trên nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định.
Tính đến ngày 30.11.2023, cả nước mới có 51 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân hỗ trợ giáo viên mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Trong đó, có ba tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ cao hơn mức tối thiểu theo quy định của Nghị định 105/2020/NĐ-CP, gồm: Hà Nội và Quảng Ninh hỗ trợ 1,2 triệu đồng/giáo viên/tháng; Hải Phòng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/giáo viên/tháng; có 48 tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ bằng mức tối thiểu theo quy định của Nghị định 105/2020/NĐ-CP là 800 nghìn đồng/giáo viên/tháng.
12 tỉnh chưa có Nghị quyết Hội đồng nhân dân hỗ trợ giáo viên mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản theo thẩm quyền quy định mức hỗ trợ cụ thể và hướng dẫn các cấp quản lý triển khai thực hiện chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách ở địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc về cách xác định đối tượng, địa bàn được hưởng chính sách, thủ tục thực hiện…
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân, các cấp quản lý trong quá trình triển khai thực hiện chính sách nhằm giúp cha mẹ trẻ, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cán bộ quản lý giáo dục các cấp triển khai chính sách bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng và đúng các quy định của pháp luật.
Theo Minh Vân/Đại biểu nhân dân