Dự án cầu dây văng lớn nhất TPHCM thay đổi thiết kế

12/12/2023 10:04:20

Dự án cầu Cần Giờ sẽ thay đổi thiết kế từ cầu dây văng 1 trụ tháp sang cầu dây văng 2 trụ tháp để đáp ứng vấn đề kỹ thuật, phương án tài chính.

Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cầu Giờ đã được tuyển chọn năm 2018 và được UBND TPHCM phê duyệt năm 2019. Theo đó, kết cấu nhịp chính là cầu dây văng 1 trụ tháp với ý tưởng phác họa hình cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ. Trụ tháp có chiều cao lên tới 230m (tính từ bệ trụ) và chiều dài nhịp chính là 350m.

Phối cảnh cầu Cần Giờ với 1 trụ tháp cao
Phối cảnh cầu Cần Giờ với 1 trụ tháp cao 230 m hình cây đước được phê duyệt năm 2019. Ảnh: Sở quy hoạch - Kiến trúc TPHCM

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, quá trình nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho thấy phương án kiến trúc trên tồn tại một số vấn đề kinh tế - kỹ thuật, chi phí xây dựng và tổng mức đầu tư cao.

Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất kết cấu nhịp chính thành 2 trụ tháp nhưng vẫn giữ ý tưởng kiến trúc trụ tháp hình cây đước. Cụ thể, nhịp chính của cầu giữa lòng sông dài 350 m được đặt trên 2 trụ tháp cao 150m (thấp hơn 80m so với thiết kế 1 trụ tháp được duyệt trước đây).

Cầu Cần Giờ sẽ có tĩnh không thông thuyền 55 m (tương đương cầu Bình Khánh của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) - cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.

Thiết kế cầu Cần Giờ sẽ đổi sang hai trụ tháp.  Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Thiết kế cầu Cần Giờ sẽ đổi sang hai trụ tháp. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Sở GTVT TPHCM cho biết, trong bước tiếp theo sẽ tổ chức thi tuyển kiến trúc để lựa chọn phương án cầu Cần Giờ đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc trong khu vực, đồng thời đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo phù hợp với hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng dự án (hợp đồng BOT) và phương án tài chính đề xuất.

Hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ đã được Sở GTVT TPHCM trình Hội đồng thẩm định TPHCM (Sở Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực).

Điểm đầu cầu Cần Giờ tại đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m về phía Bắc. Sau đó cầu cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía Nam.

Dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3km (trong đó cầu Cần Giờ dài gần 3km, phần đường dẫn dài hơn 4,3km), quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60km/h.

Sở GTVT TPHCM đề xuất xây cầu Cần Giờ theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn hơn 11.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.

Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài lên tới 7,3 km. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài lên tới 7,3km. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

 

Theo lý giải của ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cầu Cần Giờ của TPHCM là công trình dây văng rất đặc biệt. Thành phố đã tổ chức thi tuyển kiến trúc, cây cầu có 1 trụ hình cây đước. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, cầu bắc qua đoạn sông có độ cong lớn nên cần có phương án nghiên cứu đảm bảo khả thi, đạt được hiệu quả về kinh tế. Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất kết cấu nhịp chính gồm 2 trụ tháp nhưng vẫn giữ ý tưởng kiến trúc trụ tháp hình cây đước.

Dự kiến, dự án cầu Cần Giờ sẽ được trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương tại kỳ họp đầu năm 2024. Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, nếu được thông qua, công trình sẽ được khởi công vào năm 2025.

Cầu Cần Giờ dự kiến hoàn thành năm 2028 thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TPHCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển 2 dự án ở Cần Giờ là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Theo Báo Lao động

https://laodong.vn/giao-thong/du-an-cau-day-vang-lon-nhat-tphcm-thay-doi-thiet-ke-1278556.ldo

 

300x600_-31-10-2021-20-49-31.gif