Cần tránh độc quyền trong mảng giao hàng trên một số sàn thương mại điện tử

30/11/2023 20:53:00

Các đơn vị vận chuyển cho biết họ đang bị cạnh tranh không lành mạnh khi các sàn thương mại điện tử hiện không cho phép người bán, người mua tự chọn đơn vị vận chuyển mà buộc phải chọn theo sàn.

“Miếng bánh” không được chia sòng phẳng

Diễn đàn doanh nghiệp bưu chính năm 2023 hôm 27/11 nổi lên là cuộc tranh luận giữa một bên là đơn vị bưu chính, vận chuyển và một bên là các sàn thương mại điện tử.

Nguồn cơn của cuộc tranh luận này bắt đầu từ việc vài năm trở lại đây, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop… không cho phép người bán, người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển, mà các sàn tự chủ động phân phối các đơn hàng cho các đơn vị vận chuyển mà sàn tự liên kết hoặc tự xây dựng.

Trong khi trước kia, trên các sàn thương mại điện tử, các đơn vị vận chuyển đều có cơ hội tham gia, cạnh tranh về giá thành và dịch vụ cung cấp một cách công khai, minh bạch. Người tiêu dùng, nhà bán hàng có thể tự do lựa chọn đơn vị vận chuyển mà mình muốn.

“Việc các sàn thương mại điện tử chỉ định đơn vị vận chuyển hay thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn, đẩy hầu hết sản lượng qua các đơn vị đó là dấu hiệu của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính”, bà Hà Thị Hoà, Trưởng ban Dịch vụ Bưu chính của Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam (Vietnam Post), cho biết.

Lê Duy Hoài, CEO SuperShip cũng cho biết việc các sàn thương mại điện tử tự quyết định đơn vị vận chuyển sẽ rơi vào tình trạng độc quyền nhóm. Cạnh tranh lành mạnh phải đảm bảo mở ra cơ hội cho tất cả đơn vị vận chuyển để người tiêu dùng, người bán hàng tự do lựa chọn.

Nửa đầu năm, Shopee ghi nhận tổng giá trị của tất cả các đơn hàng đạt 59.000 tỉ đồng, với 667 triệu sản phẩm được bán ra. Lazada đạt 15.700 tỉ đồng doanh thu với 117,5 triệu sản phẩm, the Metric. “Miếng bánh” này là rất lớn và nếu chỉ một vài đơn vị vận chuyển cát cứ sẽ mất đi cơ hội cho những đơn vị trong ngành.

Ở góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Đắc Luân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính cũng cho rằng hành động cát cứ trong lĩnh vực vận chuyển của một số sàn điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada… đang xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.

“Khi giao kết hợp đồng trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng, người bán hàng có quyền tự do lựa chọn sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu”, ông Luân nhấn mạnh.

Các sàn nói gì?

Các sàn cần có tiêu chí minh bạch, cần lựa chọn công khai các đơn vị vận chuyển để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị. Ảnh: T.L.

Các sàn cần có tiêu chí minh bạch, cần lựa chọn công khai các đơn vị vận chuyển để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị. Ảnh: T.L.

Bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX Express (đơn vị vận chuyển thuộc Shopee) cho biết phục vụ tốt nhu cầu khách hàng chính là cạnh tranh lành mạnh.

Người bán họ cần các sàn thương mại điện tử phục vụ đầy đủ các dịch vụ, trong đó có dịch vụ hậu mãi và trả hàng hoàn tiền. Người mua không chỉ muốn dịch vụ vận chuyển tốt và miễn phí, mà khi có vấn đề xảy ra với hàng hoá hay dịch vụ vận chuyển, họ không phải suy nghĩ sẽ liên hệ đến người bán, sàn hay làm việc trực tiếp với đơn vị vận chuyển.

Đặc biệt khi đơn hàng xảy ra sự cố, thông thường người mua chọn liên hệ với sàn nhiều nhất. Vì vậy, sàn thương mại điện tử nên là đơn vị có trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo cho người dùng đầu cuối.

“Trước đây sàn cho phép người dùng lựa chọn đơn vị vận chuyển. Đã có rất nhiều vấn đề gian lận xảy ra như khách hàng hoặc người bán, người mua móc nối với một số đối tác giao nhận, nhân viên vận chuyển để trục lợi. Khi chuyển sang mô hình chọn đơn vị vận chuyển, thời gian chờ đợi của khách hàng giảm 30%, chi phí dịch vụ vận chuyển giảm 10-20%; các vụ việc gian lận, gửi hàng không đúng sự thật, hàng ảo giảm 60-70%”, bà Kim Anh nói.

Về phía Lazada, năm 2012, sàn này đưa vào thị trường Lazada Logistics vì “các đơn vị vận chuyển trong nước đang hoạt động quá truyền thống và không đáp ứng được nhu cầu”. Ngoài ra, đại diện sàn này cho biết việc chọn đơn vị vận chuyển của Lazada cũng rất kĩ lưỡng, từ chất lượng dịch vụ, thái độ nhân viên, công nghệ phân loại hàng hoá…nên bản thân các đơn vị vận chuyển phải đầu tư nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng, khi đó mới là cạnh tranh lành mạnh.

“Việc cho rằng sàn thương mại điện tử chỉ định đơn vị vận chuyển là không khách quan. Thực tế, sản lượng hàng hoá qua các sàn chỉ chiếm 40-45%, còn lại 50-60% nằm ở bên ngoài, như bán hàng online trên mạng xã hội. Vì vậy các đơn vị vận chuyển chỉ cần chiếm 30% trong số bên ngoài này đã là rất lớn”, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Logistics nói.

Logistics vốn được xem là yếu tố sống còn, chìa khoá tăng trải nghiệm mua sắm thương mại điện tử. Tuy vậy hiện nay, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn đang khá cao, khoảng 20% GDP trong khi các nước tiên tiến 7-9%.

Theo VECOM, năm 2021, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm từ 10% đến 20% giá thành. Trong đó, chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng từ 60% đến 80%, sau đó là chi phí xếp dỡ và lưu kho, chia đơn hàng...

“Miếng bánh” vận chuyển này là khá lớn nên cũng không loại trừ các sàn cũng muốn thâu tóm chúng, một mặt phục vụ khách hàng tốt hơn, một mặt giảm chi phí và tăng doanh thu cho sàn, nơi mà các doanh nghiệp đa phần vẫn đang “đốt tiền” chứ chưa có nhiều lợi nhuận.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trước mắt sẽ trao đổi với Bộ Công thương đề nghị các sàn thương mại điện tử công khai các tiêu chí khi lựa chọn đơn vị vận chuyển. Sau đó sẽ tiến hành lấy ý kiến đóng góp để nghiên cứu để đưa vào các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá.

Theo Doanh nhân trẻ

 

 

300x600_-31-10-2021-20-49-31.gif