Cả hai công ty Phở Thìn và Phở VieThin đều chưa đăng ký được nhãn hiệu

24/02/2023 21:10:35

Bản tin 60s ngày 24/2 có những nội dung đáng chú ý như Cả hai công ty Phở Thìn và Phở VieThin đều chưa đăng ký được nhãn hiệu Phở, người thân của trùm mua bán hóa đơn tố cáo ông Đỗ Hữu Ca lừa đảo...

Cả hai công ty Phở Thìn và Phở VieThin đều chưa đăng ký được nhãn hiệu Phở

- Người thân của trùm mua bán hóa đơn tố cáo ông Đỗ Hữu Ca lừa đảo

- Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẽ triển khai tên lửa hạt nhân Sarmat

- Nhật Bản di dời quả cầu kim loại bí ẩn

- Báo Thái Lan: Bunmathan từ chối mức lương tháng hơn 1 tỷ đồng từ V-League./.

 

Gần đây, những câu chuyện xung quanh thương hiệu "Phở Thìn" nhận được nhiều sự quan tâm bởi các luồng thông tin trái chiều.

Tại buổi gặp gỡ với Zing ngày 24/2, ông Nguyễn Trọng Thìn - "cha đẻ" của Phở Thìn 13 Lò Đúc khẳng định mình không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào.

Ông cũng làm rõ mối quan hệ với ông Đoàn Hải Trung - người đã chia sẻ với báo chí rằng mình là "giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn".

Nhập nhằng thương hiệu, nhãn hiệu

Quán Phở Thìn đầu tiên được ông Nguyễn Trọng Thìn mở vào năm 1979, tại số 13 Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và được nhiều người biết đến. Sau đó, nhiều chi nhánh Phở Thìn 13 Lò Đúc khác được mở tại Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM; thậm chí tại nước ngoài như Nhật Bản, Indonesia, Mỹ...

"Ở miền Bắc, tôi hỗ trợ kinh doanh, cho phép người khác kinh doanh theo thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc với khoảng 10 chi nhánh. Ở Nhật Bản 5 chi nhánh, ở Indonesia một chi nhánh, ở Melbourne (Australia) một chi nhánh và ở California (Mỹ) một chi nhánh" - ông Thìn nói với Zing.

Đến nay, thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc vẫn chưa triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh vì về mặt pháp lý, ông Nguyễn Trọng Thìn chưa được pháp luật bảo vệ nhãn hiệu "Phở Thìn".

Vị này từng nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu "Phở Thìn" vào năm 2009 nhưng đã bị từ chối. Đến năm 2020, Phở Thìn 13 Lò Đúc tiếp tục nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh chân dung ông Thìn nhưng vẫn trong tình trạng “đang giải quyết”.

Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu sau khi đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và có hiệu lực sẽ được pháp luật bảo hộ.

Trong khi đó, thương hiệu không được pháp luật bảo hộ, thường do doanh nghiệp tự xây dựng và phát triển, hình thành chủ yếu trong nhận thức của người tiêu dùng.

"Tôi không sở hữu nhãn hiệu nhưng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc chỉ thuộc về tôi" - ông Thìn khẳng định.

Thực tế, nhãn hiệu “Phở Thìn” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng từ 2005, cấp lại năm 2017.

Địa chỉ này thường được thực khách biết tới tên Phở Thìn Bờ Hồ. Quán được mở từ khoảng năm 1954, do ông Bùi Chí Thìn (1928-2001) làm chủ. Hiện hàng phở này vẫn ở tại địa chỉ trên phố Đinh Tiên Hoàng, chỉ bán phở truyền thống và không nhượng quyền thương hiệu.

Không có "truyền nhân"

Với ông Đoàn Hải Trung, ông Thìn khẳng định người này không phải là "truyền nhân" hay "giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn".

Theo ông Thìn, ông Đoàn Hải Trung từng được ông Thìn cho phép sử dụng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc để kinh doanh chi nhánh tại Hải Dương. Những hình ảnh giữa 2 bên được chụp trong giai đoạn hợp tác này.

"Tôi khẳng định giữa tôi và Đoàn Hải Trung không có bất kỳ giấy tờ, hợp đồng nào. Tôi không bán thương hiệu, không ủy quyền quản lý cho người này. Việc Trung tiến hành thành lập công ty và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn không có sự đồng ý của tôi".

Theo thông tin tại website của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Đoàn Hải Trung cũng từng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn và Phở VieThin 13 Lò Đúc nhưng chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

Ông Thìn cũng khẳng định việc ông Trung nhượng quyền kinh doanh thương hiệu Phở Thìn ở Sydney (Australia) hay tại TP Thủ Đức đều không thông qua ông.

"Đoàn Hải Trung đang sử dụng thương hiệu, hình ảnh của tôi để lập công ty, nhượng quyền thương hiệu. Hành vi này vi phạm pháp luật và tôi đã ủy quyền cho luật sư tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi kiện" - Ông Thìn cho biết.

Theo ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB Director, Horeca Business School - kinh doanh truyền thống thường tồn tại ở mô hình hộ kinh doanh, tập trung vào sản xuất chế biến để thu hút khách hàng thông qua chất lượng sản phẩm. Vì vậy, họ chưa quan tâm đến các yếu tố pháp lý trong kinh doanh, đặc biệt là sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, những nhập nhằng trong câu chuyện thương hiệu, nhãn hiệu khiến nhiều người người tiêu dùng và cả người muốn mua nhượng quyền kinh doanh thương hiệu gặp lúng túng không thể phân biệt thật, giả.

Nguyên Ngọc/TH

 

 

 

 

 

300x600_-31-10-2021-20-49-31.gif