Trời lạnh, cách tránh căn bệnh "tử thần" do thời tiết

17/10/2021 11:48:53

Trời chuyển lạnh khiến cơ thể dễ bị đột quỵ, đặc biệt với những người có bệnh nền sẵn, do đó chúng ta cần phải tìm hiểu và nắm rõ những triệu chứng cũng như cách phòng ngừa để bảo vệ sức khoẻ.

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ gây tử vong chỉ sau các bệnh về tim mạch và ung thư nhưng đột quỵ lại không có triệu chứng báo trước nên không ai có thể biết trước mình sẽ rơi vào tình trạng này. Vào mùa đông, rất nhiều yếu tố khiến cho cơ thể dễ bị đột quỵ, do đó chúng ta cần phải tìm hiểu và nắm rõ những nguyên nhân cũng như biện pháp phòng tránh để bảo vệ cơ thể khỏe mạnh.

Thời tiết lạnh dễ bị đột quỵ

Thời tiết lạnh khiến tình trạng bệnh cao huyết áp chuyển biến xấu hơn, nhiều khả năng dẫn tới suy tim hoặc đột quỵ.

Vào mùa lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn. Gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi) do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não hoặc phù phổi cấp.

Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi. Đặc biệt, ở người già, khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch máu giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị kết vón, lưu lượng máu qua não giảm đến 1/5 so với thông thường, dự trữ chức năng không còn nhiều nên rất khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết.

Trời lạnh, cách tránh căn bệnh 'tử thần' do thời tiết ảnh 1

Hậu quả tai hại của thời tiết lạnh lên bệnh tim mạch và đột quỵ

Đối với những người đang bị bệnh mạch vành, nhiệt độ thấp có thể gây ra các đợt thiếu máu cục bộ ở tim do cơ tim bị thiếu oxy, gây các cơn đau thắt ngực hoặc thậm chí cơn đau tim cấp.

Đối với những người bị suy tim, nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng có thể làm các triệu chứng đang tạm ổn lại đột ngột xấu đi, tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí tăng nguy cơ tử vong.

Đối với những người bị tăng huyết áp, nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng có thể làm huyết áp tăng lên, dễ gây ra các biến chứng tim mạch và hình thành đột quỵ.

Đối với bất kỳ ai bị bệnh tim mạch, khi trời trở lạnh cần phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt. May mắn, những biện pháp phòng ngừa khá đơn giản và mọi người có thể dễ dàng thực hiện.

Trời lạnh, cách tránh căn bệnh 'tử thần' do thời tiết ảnh 2

Cách phòng ngừa đột quỵ khi thời tiết lạnh

Hạn chế tiếp xúc với lạnh: Hạn chế thời gian ở ngoài trời lạnh, và nếu bạn ra ngoài, hãy mặc ấm, nhiều lớp, che đầu và tay, đi tất và giày ấm. Đặc biệt hạn chế ra ngoài vào ban đêm và sáng sớm. Từ bỏ thói quen tập thể dục quá sớm, nên thay khung giờ 4-5h sáng thành 7-9h hoặc có thể tập trong nhà nơi kín gió. Lưu ý khởi động kỹ trước khi tập và không tập gắng sức.

Đừng cố gắng hoạt động quá sức: Không hoạt động quá gắng sức trong thời tiết lạnh. Ngay việc đi bộ nhanh hơn bình thường gặp khi gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể cũng đã là gắng sức. Chỉ ở ngoài trời lạnh thôi cũng thúc đẩy cơ thể chúng ta phải gắng sức hơn bình thường nhằm giữ nhiệt độ cơ thể ổn định. Thường xuyên vận động phù hợp sức khoẻ với lượng 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần/tuần.

 

Đừng để cơ thể trở nên quá nóng: Mặc quần áo ấm sau đó tham gia hoạt động thể chất có thể dẫn đến cơ thể bị nóng bức. Ngược lại với lạnh, quá nóng sẽ làm cho các mạch máu đột ngột giãn ra và có thể dẫn đến hạ huyết áp ở một người bị bệnh tim mạch. Nếu bạn hoạt động ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi, như vậy bạn đang bị quá nóng và không ổn. Nếu bạn bị bệnh tim mạch, hãy coi đây là dấu hiệu nguy hiểm. Hãy dừng việc bạn đang làm và vào ngay trong nhà.

Tiêm phòng cúm: Mùa thu đông cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm do độ ẩm thấp trong thời tiết lạnh và hệ thống giữ ấm trong nhà không đủ. Bệnh cúm có khả năng nguy hiểm đối với bất kỳ ai đang bị bệnh tim mạch. Bạn cần tiêm phòng vắc xin cúm trước mỗi mùa lạnh tới. Và nếu bạn cảm thấy mình phát triển các triệu chứng của bệnh cúm, hãy can thiệp điều trị ngay.

Không uống rượu: Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời. Vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến bạn cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng của bạn.

Hạn chế sử dụng chất kích thích

Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc. Ngoài ra giữ tinh thần lạc quan và ôn hoà bởi điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Nguyên nhân gây đột quỵ có thể đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng mỡ máu... vì vậy chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát các bệnh lý này.

Có thể nói chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những biện pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, nhiều thịt trắng, hải sản, hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hoà, đồ chiên xào, thức ăn nhanh.

Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...

Kiểm soát huyết áp: Bệnh nhân cần kiểm soát huyết áp bằng cách tuân thủ uống thuốc đều đặn, ăn nhạt, tránh bị lạnh đột ngột phòng cơn tăng huyết áp kịch phát.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Những người mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây đột quỵ.

Bên cạnh đó, với những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột đã từng bị đột quỵ thì bản thân đi khám sức khỏe định kỳ cũng là một việc làm cần thiết.

Theo Thanh Huyền/Tiền phong