Sửa Luật Các tổ chức tín dụng và “vấn đề khó nhất, đau đầu nhất”

09/05/2023 20:03:14

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị  Hồng, liên quan đến can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề khó nhất và đau đầu nhất khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.

Chiều 9/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Dự thảo luật dành chương VIII quy định về "Can thiệp sớm tổ chức tín dụng" gồm 16 điều quy định biện pháp can thiệp sớm trong trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bị rút tiền hàng loạt; phương án khắc phục của TCTD được can thiệp sớm; phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể của các TCTD thuộc diện này.

Theo đó dự thảo bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm trong việc hạn chế quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của TCTD có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo  mức độ vi phạm của người quản lý, người điều hành.

Khác với Luật hiện hành, dự thảo Luật cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho TCTD cho vay đặc biệt.

Đây là những nội dung khiến Uỷ ban Kinh tế còn nhiều lo ngại khi thẩm tra sơ bộ, cũng là lo ngại của nhiều ý kiến tại phiên thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại thẩm quyền trong trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt, xử lý nợ xấu…

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng thời là một thành viên của Chính phủ, điều đó khác hoàn toàn với cơ cấu thể chế tổ chức ngân hàng độc lập ở các nước khác. Tôi nói từ đầu nhiệm kỳ trước là khi các đồng chí muốn nặng về thành viên Chính phủ thì các đồng chí lại nói thẩm quyền Chính phủ với Thủ tướng, khi muốn giành quyền của mình hoặc không muốn cho ai xâm phạm vào thì nói tôi có quyền ở ngân hàng trung ương thì không được”, ông Huệ tỏ rõ quan điểm.

Cho nên, xử lý tài sản đảm bảo cho vay đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội trong luật này phải nói rõ đâu là quyền của Thống đốc, quyền của Thủ tướng, quyền của Chính phủ. “Nên phân quyền ra và theo cấp độ nào đó, nhất là loại, cho vay đặc biệt lãi suất bằng 0%, mà không có tài sản đảm bảo nữa thì không biết thẩm quyền của ai?”, ông Huệ băn khoăn.

Đặc biệt lưu ý những nội dung liên quan đến phát hiện sớm, rồi xử lý, can thiệp cho vay đặc biệt phải hết sức kỹ lưỡng, cẩn thận, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, quy trình như dự thảo thì một ngân hàng yếu kém từ khi phát hiện ra đưa vào kiểm soát đặc biệt là mất khoảng 13 tháng.

“Chúng tôi có yêu cầu các chuyên gia tính cho chúng tôi xem với quy định của luật này thì mất khoảng 13 tháng trong việc đưa ra quyết định thôi chứ chưa nói là tổ chức thực hiện trong việc xử lý các ngân hàng, trong khi các đồng chí biết ví dụ như Hoa Kỳ phát hiện ra rất nhanh và xử lý trong phút chốc thôi. Ở đây quy trình các thứ này khác về tài chính chúng tôi tính sơ bộ là đến 13 tháng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh liên quan đến can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề khó nhất và đau đầu nhất, quy định như thế nào để có thể phát hiện, xử lý được vấn đề từ sớm, từ xa.

“Trong dự thảo luật chúng tôi cũng căn cứ vào những thực tiễn của ngân hàng, ví dụ như vụ việc của SCB, những vụ mới phát sinh của mấy ngân hàng của Mỹ. Qua đây cũng thấy được rõ ràng không phải một ngân hàng lỗ hay một ngân hàng yếu kém mới xảy ra rút tiền hàng loạt, với Mỹ thì xảy ra với các ngân hàng đang rất lành mạnh, thậm chí là được xếp hạng tín dụng rất cao, nhưng có những biến cố đột xuất, lãi suất tăng lên và rủi ro thị trường thì cũng gây ra rút tiền hàng loạt”, bà Hồng giải thích.

Chính vì như thế, theo Thống đốc, nếu quy định như luật cũ để khi kiểm soát đặc biệt mới cho vay đặc biệt thì không thể xử lý được những vấn đề phát sinh.

Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục rà soát để các giải pháp thiết kế ra là để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phải các giải pháp thiết kế ra để cứu các cổ đông hoặc là các ngân hàng đó.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả. Đánh giá toàn diện về cho vay đặc biệt cần xin ý kiến cấp trên hay không, cấp nào cần phải thể hiện rõ.

Làm rõ cơ sở và sự cần thiết của việc cho vay đặc biệt, không có tài sản đảm bảo và làm rõ trách nhiệm thu hồi khoản vay đặc biệt của cơ quan quản lý, các chủ thể cho vay và các bên có liên quan, ông Mẫn lưu ý.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ để  Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức xem có đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 hay không.

Theo Đầu tư

 

300x600_-24-06-2022-13-02-56.jpg