Tối 6-5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết kết quả xét nghiệm xác định mẫu phân của một bệnh nhi ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai sau khi ăn bánh mì có vi khuẩn Salmonella.
Đây là kết quả xét nghiệm mẫu phân của bệnh nhi PHM (14 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM chủ động hỗ trợ và tiếp nhận, điều trị các bệnh nhi trong vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Đồng Nai.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho hai trẻ bị ngộ độc nặng là bé NHTA và VTL (cùng 13 tuổi). Các bệnh nhi được chẩn đoán viêm ruột, tiêu chảy cấp, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Sau khi được chăm sóc, điều trị tích cực, hai bệnh nhi đã tạm qua cơn nguy hiểm.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận một bệnh nhi trong vụ ngộ độc trên là bé THM (14 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai). Bệnh nhi này nhập viện với biểu hiện sốt, tiêu chảy, được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn. Sau ba ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi hiện nay đã cải thiện tốt.
Tính đến sáng 6-5, UBND TP Long Khánh (Đồng Nai) đã ghi nhận 560 người nhập viện do ngộ độc sau ăn bánh mì tại tiệm bánh mì B (TP Long Khánh).
Trong số đó, hơn 200 người đã xuất viện, 119 người được theo dõi điều trị tại nhà, 12 ca nặng phải chuyển viện.
Hiện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang tiếp tục theo dõi và điều trị 12 ca. Trong đó, ca nặng nhất 7 tuổi sức khỏe có tiến triển, có phản xạ ho. 11 trường hợp nặng khác tạm ổn.
Sở Y tế Đồng Nai cho biết kết quả xét nghiệm máu ba bệnh nhi ngộ độc nặng trong vụ ngộ độc trên nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống... Các triệu chứng khi mắc E.coli thường là buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu tùy vào loại E.coli.
Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm thế nào?
Salmonella là vi khuẩn được xếp là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên ngộ độc thực phẩm. Tại Việt Nam, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do khuẩn Salmonella. Điển hình năm 2018, khoảng 200 học sinh mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) phải nhập viện hay năm 2019, hơn 50 người dân ở Hà Tĩnh bị ngộ độc cũng do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn này.
Khuẩn Salmonella có khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài tốt, đa số tồn tại rất lâu trong các loại thịt sống, thịt bẩn, trong môi trường nước bẩn và được nhân lên rất nhanh.
Khuẩn này bị hủy trong vòng một giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng năm phút ở nhiệt độ 100 độ C. Chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt khuẩn Salmonella.
Khi nhiễm khuẩn này, người bệnh thường có các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy, đau bụng,… Người nhiễm khuẩn trung bình 72 tiếng sẽ khỏi bệnh. Trường hợp nhẹ hầu hết hồi phục mà không cần điều trị. Nhiễm khuẩn nặng có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa, nặng hơn nữa là bị viêm cơ tim, trụy tim mạch, viêm túi mật, viêm gan,…
Theo Plo
15/11/2020 09:57:20
05/11/2020 21:52:41
19/11/2020 11:22:30
18/11/2020 11:43:25
22/11/2020 11:34:06
22/11/2020 16:30:08
02/12/2020 09:08:11
03/12/2020 16:15:29
05/12/2020 11:10:20
18/12/2020 09:16:00