Trang chủ » Doanh nghiệp » Những dự án chống ngập "hoá vàng" ngân sách – Bài 3: Dự án 10.000 tỷ đồng xây 90% rồi "đắp chiếu"

Những dự án chống ngập "hoá vàng" ngân sách – Bài 3: Dự án 10.000 tỷ đồng xây 90% rồi "đắp chiếu"

11/11/2021 21:57:29
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biển đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng chi phí lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, dự án này dính nhiều lùm xùm và hiện nay đã tạm ngưng thi công sau khi đã hoàn thành hơn 90% công trình.
Xây dựng hơn 90% rồi “đắp chiếu”?

Tháng 6/2016, UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) ký kết hợp đồng xây dựng dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khỉ hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 9.926 tỷ đồng.

Mục tiêu dự án là kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570m2 với khoảng 6,5 triệu dân bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM; Đồng thời chủ động trong điều tiết hạ thấp mực nước các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường khu vực.

Dự án sẽ tập trung xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Đồng thời xây dựng trạm bơm công suất 12m3/2 tại cống Bến Nghé, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 48m3/s và trạm bơm tại cống Phú Định. Ngoài ra, xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh – giai đoạn 1 bao gồm 7,8m2 đê kè ở các đoạn xung yếu và xây dựng 25 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối.

Theo Hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam, dự án sẽ xây dựng trong 36 tháng. Tuy nhiên, đến nay dự án đã trễ hạn hơn 2 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Tại thời điểm cuối tháng 10/2021, toàn bộ 6 cống của dự án đã hoàn thành hầu hết khối lượng công việc, đã xây dựng các hạng mục chính và lắp cửa van, chỉ còn một số hạng mục nhỏ 2 bên bờ và đang hoàn thiện nhà điều hành. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các cống Tân Thuận, Bến Nghé và Phú Định hiện nay có hơn 10 công nhân thi công với tốc độ cầm chừng. Còn tại các cống Cây Khô, Phú Xuân và Mương Chuối (đều thuộc huyện Nhà Bè) đang bỏ không, chỉ có vài nhân sự trông coi công trình, hoàn toàn không xuất hiện hoạt động xây dựng.

Trong khi đó, Tập đoàn Trung Nam cho biết, tổng giá trị xây lắp của công trình đã đạt khoảng 90%. Theo cập nhật tiến độ mà Tập đoàn Trung Nam ghi nhận vào tháng 10/2021 thì cống Bến Nghé hiện nay đã hoàn tất việc lắp đặt cửa van cùng hệ thống bơm; hệ thống, kết cấu biển báo, nhà điều hành đang được thi công. Cống Tân Thuận đã hoàn tất trụ T1, T2, hoàn thiện âu thuyền và lắp đặt cửa van, thi công hoàn thiện nhà quản lý và lắp đặt hệ thống thoát nước và đấu nối điện nước.

Cống Phú Xuân đã hoàn tất thi công trụ T1, T2, dầm van và lắp đặt 2 cửa van, đang hoàn thiện các hạng mục thượng – hạ lưu quận 7 và Nhà Bè. Cống Mương Chuối đã hoàn tất trụ pin và tháp van, hoàn tất lắp đặt 4 cửa van và hệ thống thủy lực, đang hoàn thiện nhà quản lý cùng một số hạng mục khác. Cống Phú Định đã hoàn tất thi công và lắp đặt cửa van cùng hệ thống thủy lực, đang hoàn thiện các hạng mục như hệ thống bơm, âu thuyền, các hạng mục hướng dẫn và biển báo.

Các hạng mục khác của toàn dự án như đê kè, hệ thống SCADA, nhà quản lý trung tâm cũng đang trong quá trình hoàn thiện.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là vì sao dự án đã chậm bàn giao hơn 2 năm, hiện nay đã thi công gần như hoàn thiện, nhưng dự án bỗng dưng bị ngưng lại, không được gấp rút hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng?

Theo Trung Nam Group, không có chuyện họ ngưng xây dựng dự án, về cơ bản vẫn có nhân sự thi công, nhưng nhịp độ không cao. Tập đoàn này từ chối cung cấp thông tin vì sao dự án từ cuối năm 2020 đến nay vẫn không có nhiều biến chuyển và thời điểm nào có thể đẩy mạnh thi công hoàn thiện để bàn giao cho UBND TP.HCM.

Những dự án chống ngập

Cống Tân Thuận cũng đã thành hình, khoảng 10 công nhân đang thi công hoàn thiện với tốc độ cầm chừng các hạng mục.

Nhiều lần dừng thi công

Theo Hợp đồng BT đã ký giữa UBND TP.HCM và Trung Nam Group, dự án được khởi công ngày 26/6/2016 và dự kiến hoàn thành vào ngày 26/6/2019. Cuối tháng 4/2018, sau gần 2 năm thực hiện với khoảng 75% khối lượng công trình đã được xây lắp, Tập đoàn Trung Nam bất ngờ dừng thi công.

Theo lý giải của Tập đoàn Trung Nam, nguyên nhân dẫn đến việc dừng thi công do Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án, vì UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện cấp vốn.

Gần 10 tháng sau, ngày 12/2/2019, sau khi hoàn thành các thủ tục giải ngân, dự án mới được tái khởi động, nhưng lúc này, thời gian dự kiến hoàn thành đã bị lùi sang tháng 6/2020.

Đến tháng 11/2020, khi dự án đã hoàn thành khoảng 90%, Tập đoàn Trung Nam tiếp tục có thông báo ngừng thi công do UBND TP.HCM chưa ký hợp đồng phụ lục thời gian hoàn thành (thời gian gia hạn trước đó đến tháng 6/2020).

Theo Tập đoàn Trung Nam, do thời gian thực hiện dự án đã hết hạn nên không có cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai dự án, nhà đầu tư rất lúng túng không biết xử lý tình trạng này thế nào. Phía Trung Nam Group cho rằng, việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án không thể tiếp tục triển khai không phải là trách nhiệm của nhà đầu tư và không chịu trách nhiệm vì lỗi không xuất phát từ họ.

Vào tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 40/NĐ-CP, trong đó, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm rà soát, khắc phục tối đa các tồn tại pháp lý, hoàn thành dự án đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, đến nay dự án vẫn không có nhiều biến chuyển.

Những dự án chống ngập

Cống Phú Định từng bị người dân 2 bên bờ phản ánh tình trạng thi công gây nứt, hư hại nhà cửa.

Hàng loạt lùm xùm trong quá trình thi công dự án

Tập đoàn Trung Nam cũng vướng phải nhiều lùm xùm suốt quá trình thi công dự án này. Vào ngày 6/7/2018, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành văn bản số 314/TB-KTNN, Thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác lựa chọn nhà đầu tư BT (Tập đoàn Trung Nam) chưa đáp ứng đầy đủ năng lực theo quy định. Đồng thời, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư đã xảy ra sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư hơn 402 tỷ đồng.

Các bên cũng lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở không phù hợp, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều hạng mục của công trình. Trong đó có việc nhà đầu tư đã điều chỉnh thép cửa van các gói thầu TB15, TB19, TB22 và TB26 từ thép không rỉ SUS304, S355 sang sử dụng thép S355 hoặc các loại thép tương đương.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, một số điều khoản trong hợp đồng BT còn thiếu chặt chẽ, có sơ hở. Với Hợp đồng BT đã ký, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý số tiền hơn 691 tỷ đồng với nhà đầu tư dự án là Trung Nam Group cùng công ty con là Trung Nam BT 1547, cũng là nhà thầu của dự án.

Cũng trong năm 2018, Tập đoàn Trung Nam cũng bị Liên danh Tư vấn giám sát họp đồng dự án của dự án (TVGSHĐ) đã gửi văn bản đến nhiều cơ quan chức năng, phản ánh nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình thi công dự án.

Cụ thể, đơn vị TVGSHĐ tố Trung Nam đã thay đổi kết cấu thép cửa van tử thép Nhật Bản sang thép Trung Quốc; UBND TP.HCM đồng ý giải ngân tạm ứng hơn 1.500 tỷ đồng cho Trung Nam Group là không đúng quy định pháp luật về hợp đồng BT và không đúng với Hợp đồng BT mà 2 bên đã ký; Trung Nam Group thi công cống Mương Chuối khác với hồ sơ thiết kế thi công đã được phê duyệt và tăng dự toán từ 1.400 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trung Nam Group cũng bị nhiều hộ dân phản ánh tình trạng trong quá trình thi công các cống chống ngập đã gây nứt, lún, hư hại nghiêm trọng nhà dân, đặc biệt là tại khu vực xung quanh cống Phú Định (quận 8) vào năm 2017.

Theo Ngày nay

300x300_-30-10-2021-15-12-46.png Hình ảnh bò và bé trên khinh khí cầu_-11-04-2023-17-32-22.jpg