Thanh tra Chính phủ xác định, việc thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc và Trung Nam Thuận Nam của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) chưa thực hiện đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành thông báo kết luận thanh tra (KLTT, số 3116/TB-TTCP) việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Đáng chú ý, tại phụ lục số 07 đi kèm thông báo kết luận, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến một số dự án điện mặt trời (ĐMT), điện gió dù chủ đầu tư không đáp ứng điều kiện về tài chính nhưng vẫn được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó có 2 dự án ĐMT của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).
Theo phục lục 07, về quy hoạch phát triển ĐMT giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lập quy hoạch trình Bộ Công thương nhưng không được phê duyệt. Tuy vậy nhưng Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung riêng lẻ 15 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh. Điều này không thực hiện đúng khoản 8 Điều 4 Thông tư số 43/2013/TT-BCT. Việc không phê duyệt quy hoạch ĐMT (không xác định danh mục các dự án nguồn điện vừa và nhỏ, dự kiến vị trí, dự kiến quỹ đất, công suất đặt) sẽ gây khó khăn, bất cập, bị động cho tỉnh trong việc bố trí quỹ đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Tại phụ lục 07 kèm theo thông báo KLTT cho biết UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204MW và Trung Nam Thuận Nam: việc thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư dự án chưa đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; Không đảm bảo năng lực tài chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013, điểm c khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014.
Theo tìm hiểu, Nhà máy ĐMT Trung Nam Thuận Bắc 204MW với diện tích 264ha nằm tại huyện Thuận Bắc, là dự án điện mặt trời đầu tiên của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận. Dự án được hoàn thành sau gần 12 tháng thi công (khởi công tháng 7.2018); sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin.
Nhà máy ĐMT Trung Nam Thuận Bắc 204 MW, sau một thời gian bán điện, đến năm 2021, Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua 49% cổ phần nhà máy này.
Theo phụ lục 07 kèm theo thông báo KLTT, ngoài 2 dự án trên, tại Ninh Thuận còn có 1 dự án điện gió và 1 dự án ĐMT khác chủ đầu tư cũng “có vấn đề về tài chính”.
Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy điện mặt trời Bim2 (Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM chủ đầu tư) khi chủ đầu tư dự án không đủ vốn chủ sở hữu. Điều này không đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư dự án hoàn thành; Phê duyệt công suất cao hơn 75MWp do với đề nghị của chủ đầu tư; Phê duyệt điều chỉnh bổ sung địa điểm thực hiện dự án tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam cho phần công suất mở rộng 50MW là không đúng với địa điểm quy hoạch tại Văn bản số 669/TTg-CN ngày 23.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Còn dự án Nhà máy điện gió Công Hải 1: Công ty Cổ phần EVNIC không đủ vốn chủ sở hữu theo quy định nhưng Sở KH-ĐT vẫn trình và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Điều này là không đúng khoản 3 Điều 6 Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 12.11.2012 của Bộ Công thương. Trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận không lấy lại ý kiến của Bộ Công thương là chưa đúng khoản 5 Điều 6 Thông tư số 32/2012/TT-BTC…
Theo Quang phương/Đại biểu nhân dân
31/01/2021 11:09:37
31/01/2021 10:54:06
09/11/2020 19:55:31
09/11/2020 19:57:19
09/11/2020 19:58:09
09/11/2020 19:58:52
09/11/2020 20:01:02
17/11/2020 16:37:34
19/11/2020 10:33:06
21/11/2020 16:00:03