Ngành công nghệ hiện nay đang có một xu hướng mới: áp dụng "nhãn minh bạch" tương tự như bảng "Thành phần dinh dưỡng" thường thấy trên hộp sữa hay bao bì thực phẩm.
Năm 2020, Apple giới thiệu "Nhãn riêng tư" nhằm mục đích tiết lộ cách các ứng dụng xử lý dữ liệu người dùng. Chưa dừng ở đó, từ 10 tháng 4, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải có nhãn "Thông tin băng thông rộng" nêu chi tiết giá cả, tốc độ và giới hạn dữ liệu.
Gần đây, một số nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích ngành còn kêu gọi dán nhãn "Thông tin AI" để chỉ rõ các hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra nội dung thế nào.
Việc ngành công nghệ học theo việc ghi thành phần dinh dưỡng như trên thực phẩm nhấn mạnh tính minh bạch cho người tiêu dùng ngày càng được coi trọng. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy những nhãn thông tin như vậy có cả những lợi ích lẫn bất cập.
Vào những năm 1950 và 1960, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã tranh luận về cách thức phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi thông tin sai lệch và sự gây hoang mang trên thị trường thực phẩm sức khỏe.
Ban đầu, các quan chức phản đối việc dán nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm, coi đó là "trò lừa bịp" không cần thiết hay đây chỉ là thông tin chuyên môn dành cho các chuyên gia y tế.
Nhưng về sau, FDA phải cân nhắc lợi ích y tế hợp pháp ngày càng tăng trong việc sử dụng chế độ ăn uống như một giải pháp phòng ngừa cho sức khỏe cộng đồng, cũng như sự trỗi dậy của một nền văn hóa tự cải thiện lối sống mới khiến người Mỹ có ý thức hơn về sức khỏe.
Các quan chức FDA cũng nhận thức được sự suy giảm lòng tin của công chúng vào khả năng của chính phủ trong việc đưa ra quyết định lựa chọn thực phẩm cho người tiêu dùng sau nhiều năm bê bối.
Điều này đã thay đổi suy nghĩ của các quan chức và họ bắt đầu chấp nhận rằng người Mỹ có quyền — và thậm chí có thể là nhu cầu — tìm kiếm thông tin về sức khỏe liên quan đến thực phẩm. Họ coi nhãn thông tin là trao quyền cho người tiêu dùng để tự đưa ra lựa chọn, dựa trên lối sống của riêng họ, mà không có sự áp đặt từ FDA.
Cách tiếp cận mới này dẫn đến sự giới thiệu bảng "Thành phần dinh dưỡng" vào năm 1973 để khuyến khích ngành công nghiệp thực phẩm tạo ra các lựa chọn đóng gói lành mạnh hơn.
Việc thêm nhãn chỉ là tự nguyện, nhưng nếu các công ty muốn tích cực quảng bá lợi ích về sức khỏe hoặc chất dinh dưỡng của thực phẩm, họ phải thêm nhãn vào để mang đến sự tin tưởng.
Trong khi thu hút được sự chú ý của giới truyền thông, thiết kế nhạt nhẽo của bảng thông tin dinh dưỡng lại thiếu tác động trực quan. Nếu có, có thể nói là nó gây hại nhiều hơn là có lợi, vì mở đường cho các công ty thực phẩm thổi phồng sản phẩm bằng những tuyên bố đáng ngờ về lợi ích sức khỏe.
Họ tập trung vào dinh dưỡng, trong khi che khuất các thông tin khác có thể rất quan trọng để người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt, như thực phẩm đến từ đâu hoặc có được chế biến hay không.
Xu hướng này tăng cường trong suốt những năm 1970 và 1980 khi các công ty thực phẩm chôn vùi người tiêu dùng trong những dòng thành phần giá trị dinh dưỡng không phải ai cũng hiểu.
Đến năm 1989, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Louis W. Sullivan buộc phải thừa nhận rằng "người tiêu dùng cần phải là nhà ngôn ngữ học, nhà khoa học thì mới hiểu được thứ nhãn mác họ nhìn thấy".
Các nhãn gây nhầm lẫn đã thúc đẩy ngày càng nhiều lời kêu gọi FDA cập nhật các quy tắc ghi nhãn dinh dưỡng. Năm 1990, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Giáo dục và Ghi nhãn Dinh dưỡng, cuối cùng yêu cầu FDA thiết kế một nhãn dinh dưỡng thống nhất cho tất cả các loại thực phẩm đóng gói.
Trong hơn ba năm, cơ quan này đã tiến hành nghiên cứu người tiêu dùng và tiếp cận các bên liên quan với cả ngành thực phẩm và các nhóm lợi ích liên quan đến người tiêu dùng và sức khỏe.
Không giống như năm 1973, lần này, các viên chức cũng tập trung vào thiết kế nhãn hiệu. Họ thuê Greenfield Belser Ltd., một công ty chuyên về thương hiệu pháp lý do nhà thiết kế đồ họa Burkey Belser đứng đầu.
Belser, làm việc với các đồng nghiệp và chuyên gia chính sách, bắt đầu định dạng lại bố cục và các yếu tố trực quan của nhãn, tạo hình cho thiết kế mang tính biểu tượng như ngày nay.
Họ giới thiệu các chi tiết như nhóm thành phần phụ được ghi thụt lề và đường kẻ phân cách giữa các dòng để dễ phân biệt. Họ sử dụng phông chữ Helvetica vì phổ biến và dễ đọc. Quan trọng nhất, họ đã đặt cho bảng tiêu đề in đậm là Nutrition Facts - "Thông tin dinh dưỡng", cũng như văn bản màu đen trắng.
Tất cả những thay đổi này đều nhằm mục đích xác định rõ ràng nhãn là một yếu tố riêng biệt của bao bì thực phẩm.
Trong một cuộc phỏng vấn, Belser lập luận rằng phần khung đen xung quanh nhãn báo hiệu "các nhà sản xuất không được xâm phạm tài sản công cộng". Tiêu đề in đậm đã giúp biến Nutrition Facts thành "thương hiệu của chính phủ".
Chỉ vài năm sau, FDA đã thuê Belser để "mở rộng thương hiệu" và tạo ra nhãn "Drug Facts" tương tự cho bao bì thuốc.
FDA đã tung ra một chiến dịch PR trị giá hàng triệu đô la để giới thiệu nhãn dinh dưỡng. Chiến dịch này bao gồm các quảng cáo trên TV có sự góp mặt của những người nổi tiếng — như ngôi sao bóng chày Roger Clemens và chú khỉ hoạt hình được trẻ em yêu thích, Curious George — các tài liệu giáo dục được phân phối trên toàn quốc đến các trường học và phòng khám bác sĩ, và sự xuất hiện trên các chương trình trò chuyện trên TV của ban lãnh đạo FDA.
Họ đã quảng cáo chức năng của nhãn thông tin này trong việc giúp người Mỹ đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn, sống lâu hơn, qua đó giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Nhãn dinh dưỡng đã chứng minh được sự thành công ngay lập tức với cả người tiêu dùng và các nhà phê bình. Đến năm 1996, nhà phê bình thiết kế Massimo Vignelli đã ca ngợi nó như một chiến thắng của "kiến trúc thông tin" có trách nhiệm xã hội, kết hợp hoàn hảo giữa hình thức và chức năng. Bố cục thông tin khách quan rõ ràng của nhãn thông tin trái ngược với sự phô trương và sự hào nhoáng của quảng cáo thực phẩm đầy màu sắc, thiên vị.
Nhãn dinh dưỡng có vẻ là một giải pháp hoàn hảo. Nó cho phép các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp hướng tới mục tiêu thay vì ban hành các biện pháp "chỉ huy và kiểm soát" cứng nhắc. Công chúng và phương tiện truyền thông ca ngợi sự đơn giản và rõ ràng, trong khi các nhà sản xuất thực phẩm phải vội vã cải tiến sản phẩm để cải thiện hồ sơ dinh dưỡng.
Tuy nhiên, trong 30 năm qua, cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng của Mỹ chỉ trở nên trầm trọng hơn khi tình trạng béo phì, bệnh tim và các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống khác tiếp tục gia tăng không kiểm soát. Mặc dù có mục đích tốt, nhãn thông tin dinh dưỡng không phải là thuốc chữa bách bệnh.
Một vấn đề khác là sự tái xuất hiện của các quảng cáo bóp méo thông tin dinh dưỡng thông qua các màn tiếp thị khéo léo. Ví dụ rõ ràng nhất về điều này là các nhà sản xuất và nhà bán lẻ dán nhãn mặt trước bao bì để làm nổi bật các thông tin dinh dưỡng cụ thể cho một sản phẩm, khiến thực phẩm trông lành mạnh hơn thực tế.
Cuối cùng, tác động lớn nhất của nhãn dinh dưỡng là thúc đẩy các công ty thực phẩm giảm các chất dinh dưỡng không lành mạnh, như chất béo bão hòa và natri, và tăng cường các chất dinh dưỡng lành mạnh hơn, như chất xơ và protein, được thúc đẩy bởi sự giám sát của người tiêu dùng.
Nhưng điều này không thay đổi được thực tế là các nhà sản xuất có thể lập lờ bằng việc thay thế một thành phần không lành mạnh này bằng một thành phần không lành mạnh khác.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Người dùng ngày nay có thể phần nào yên tâm khi ở mỗi quốc gia, có những quy định rõ ràng để nhãn thành phần dinh dưỡng không bị lợi dụng theo chiều hướng tiêu cực.
Nhãn ghi thành phần dinh dưỡng là yếu tố tham khảo để người dùng lựa chọn mua thực phẩm đúng với nhu cầu và nhà sản xuất ghi nhãn phải tuân thủ theo những nguyên tắc cụ thể như đảm bảo tính chính xác, không gây ra cách hiểu sai lệch, nhầm lẫn về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm. Thông tin thành phần, giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm thực phẩm phải dễ nhận biết, dễ hiểu và không tẩy xóa được.
Có thể nói, những mặt lợi và hại của nhãn dinh dưỡng kể từ khi ra đời đến nay đã mang đến những bài học cho các nhà hoạch định chính sách xem xét các giải pháp ứng dụng cho các công nghệ như AI, quyền riêng tư trực tuyến và băng thông rộng.
Theo Đời sống pháp luật
11/11/2020 14:43:30
11/11/2020 14:55:17
23/11/2020 10:19:31
09/12/2020 20:09:36
21/12/2020 21:12:33
26/12/2020 11:40:12
29/12/2020 16:52:34
04/01/2021 16:17:47
04/01/2021 19:50:33
21/01/2021 14:11:36