Quảng cáo thổi phồng thực phẩm chức năng, ai là người gánh hậu quả?

03/06/2024 12:32:32

Thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; Quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư.

Quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, lừa dối người tiêu dùng

Chia sẻ tại tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng”, PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, chỉ rõ thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là “ 4 hiện tượng vi phạm đạo đức: Quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo)”.

Trước các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, ông Đáng cho rằng: "Không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người dùng mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả".

IMG_6140-1648778230449
Quy tắc đạo đức là "kim chỉ nam" cho hoạt động thực phẩm chức năng

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho rằng, người bệnh nan y phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống. Nhưng những quảng cáo “cam kết chữa khỏi” là vi phạm với quy định, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật.

Ông Phong cũng cho hay: "Bức xúc nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, lừa dối người tiêu dùng".

Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Về pháp luật đã có chế tài, quy định xử lý vi phạm quảng cáo. Yêu cầu các cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ thực phẩm chức năng không thể chữa bệnh.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, khoảng 80% các quảng cáo sản phẩm trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là "trá hình" thực phẩm chức năng.

Hiện đã có luật Quảng cáo, luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn về quảng cáo trong lĩnh vực y tế, bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tất cả nội dung quảng cáo đều phải được cơ quan quản lý thẩm định, cấp phép và chỉ quảng cáo đúng với nội dung đã được thẩm định.

Sẽ có các quy định chặt chẽ hơn với những người nổi tiếng quảng cáo

Cái khó cho cơ quan quản lý là máy chủ đặt tại nước ngoài. Trên các trang quảng cáo có máy chủ đặt tại nước ngoài, có nhiều hành vi vi phạm quảng cáo: từ game đánh bạc, đổi tiền thật lấy tiền giả, đến mại dâm, thực phẩm chức năng.

"Đặc biệt, quảng cáo thực phẩm chức năng thường có quảng cáo gây hiểu lầm có tác dụng điều trị như "trị dứt điểm", "chữa khỏi bệnh", "chấm dứt bệnh"… Đây là nội dung không bao giờ được cơ quan quản lý cấp phép thẩm định".

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Nguyên nhân của việc bùng nổ các hình thức quảng cáo là do thói quen thích xem nội dung miễn phí của người dân. Nội dung miễn phí chiếm nhiều thời gian và gây nghiện.

Screenshot (3)
Nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm với nội dung mình quảng cáo

Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới nỗ lực kiểm soát quảng cáo. Việc bộ có thể làm là công bố những mạng lưới công nghệ có nhiều quảng cáo vi phạm để các doanh nghiệp biết mà tránh. Hiện nay luật quảng cáo đang “vắt” qua nhiều cơ quan và chưa rõ trách nhiệm.

Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ có công cụ đánh giá các trang vi phạm đạo đức về quảng cáo, đưa các trang này vào danh sách đen bị cảnh báo. Bộ sẽ công bố mạng lưới quảng cáo có nhiều quảng cáo vi phạm, để các doanh nghiệp có sản phẩm tránh quảng cáo.

Đồng thời, đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết sẽ có các quy định chặt chẽ hơn với những người nổi tiếng. Khi quảng bá sản phẩm, họ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm và chỉ thông tin đúng mực, không phải doanh nghiệp đưa gì là cũng đưa lại y nguyên như máy sao chép.​

Nguyên Ngọc

 

Sp-hoc-vien-hoc-do-hoa-789-my-dinh2_-12-11-2020-10-39-04.jpg