Chỉ hơn 2 tuần sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty Rạng Đông đã có văn bản xin chuyển đất sân golf sang đất ở đô thị, dù mục tiêu khi nhận chuyển nhượng là xây dựng sân golf này đạt chuẩn quốc tế.
Biến sân golf thành khu đô thị
Sân golf Phan Thiết có diện tích 620.655 m2 (hơn 60 ha) ở vị trí “đất vàng” của TP.Phan Thiết, là đất công do Nhà nước quản lý, cho chủ đầu tư nước ngoài thuê đất trả tiền thuê đất và các khoản thuế phát sinh hằng năm (100% vốn nước ngoài). Thời gian cho thuê là 50 năm và được đưa vào sử dụng từ năm 1997, hết hạn vào tháng 12/2044, qua 4 lần chuyển chủ đầu tư.
Lần thứ 4 chuyển sang chủ đầu tư là Công ty Công ty Rạng Đông, diễn ra vào ngày 15/11/2013. Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp có nội dung “với mục tiêu: xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”.
Tuy nhiên, hơn 2 tuần sau đó, Công ty Rạng Đông có văn bản xin chuyển đất sân golf sang đất ở đô thị “để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thư, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ”.
Bên trong Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Ngày 1/3/2014, Công ty Rạng Đông ra thông báo chấm dứt hoạt động của sân golf kể từ ngày 1/4/2014, giải quyết chế độ cho hội viên từ ngày 16/3/2014 đến hết ngày 16/6/2014. Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có Thông báo số 75/2014 đồng ý với đề nghị của Công ty Rạng Đông.
Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có thông báo số 394/TB-TU giao cho UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Thủ thướng Chính phủ cho phép chuyển đất sân golf sang đất ở đô thị.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận có tờ trình số 1471/TTr-UBND gửi Thủ tướng, đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch và cho phép chuyển đổi mục dích sử dụng đất sân golf sang xây dựng khu đô thị. Ngày 28/10/2014, Thủ tướng có văn bản 2117/TTg-KTN đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Tuy nhiên, ngày 5/3/2014, trong Thông báo số 75/2014 của UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh này có “yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án giải quyết hài hòa lợi ích của những người mua thẻ golf tại sân golf Phan Thiết” khi nghe họp báo cáo việc Công ty Rạng Đông xin chuyển mục đích sử dụng đất sân golf sang đất đô thị.
Lẽ nào UBND tỉnh Bình Thuận tiên đoán được là 6 tháng sau, Thủ tướng sẽ đồng ý đưa Sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam 2020 mà để cho Công ty Rạng Đông cho chấm dứt hoạt động sân golf, để từng bước biến đất sân golf thành đất ở đô thị?
Làm dự án khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính
Sau khi được Thủ tướng đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 vào ngày 28/10/2014, thì ngày 10/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định số 997/QĐ-UBND cho chuyển mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị.
Tám ngày sau, tức ngày 18/4/2015, tỉnh này cho phép Công ty Rạng Đông làm lễ khởi công dự án. Tuy nhiên, mãi đến 8 tháng sau, là ngày 25/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh mới có Quyết định số 3371/QĐ-UBND về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất.
Những lùm xùm quanh Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết gây bức xúc dư luận nhiều năm qua. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Chưa hết, UBND tỉnh Bình Thuận còn có Văn bản 4677/UBND-ĐTHQ, đề nghị Bộ Tài chính cho chủ đầu tư giãn nộp tiền thuế trong 2 năm 2016 - 2017. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Bộ Tài chính bác bỏ.
Dù vậy, mãi đến tháng 10/2016 tỉnh này mới bắt đầu thu tiền sử dụng đất. Đến cuối năm 2017, Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết vẫn còn nợ 164.700 triệu đồng tiền sử dụng đất, theo Kết luận 1645/KL-BTNMT ngày 4/4/2018 của Bộ TNMT.
Là người liên tục phản ánh những sai phạm của dự án trên, ông Đinh Trung - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho rằng Công ty Rạng Đông nhanh chóng biến sân golf thành khu đô thị du lịch biển là có sự “giúp sức” của UBND tỉnh Bình Thuận.
Phóng viên Ngày Nay đã liên hệ, đặt nội dung trao đổi vụ việc với UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty Rạng Đông nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo Ngày nay