Kênh trái phiếu vẫn hút dòng vốn đầu tư

15/11/2020 13:21:30

Tháng 10/2020, gần 65 tỷ USD đã đổ vào các quỹ trái phiếu trên thế giới. Mặt bằng lãi suất thấp kéo nhà đầu tư tìm các kênh có lợi suất cao hơn. Trái phiếu được xem là điểm sáng.

Nóng thị trường trái phiếu thứ cấp quý IV/2020

Danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa tăng lên 15 tỷ đồng trong quý III/2020, sau khi công ty này chi thêm 5 tỷ đồng mua trái phiếu của VietinBank. Khoản đầu tư trên dù chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tài sản của Minh Phú, nhưng cùng với việc tăng tỷ trọng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 3 - 12 tháng, doanh thu hoạt động tài chính (bao gồm lãi tiền gửi) đã tăng hơn 24% so với cùng kỳ, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2020 vỏn vẹn hơn 2% của tập đoàn này.

Minh Phú không phải trường hợp cá biệt đang thích nghi để ứng phó với bối cảnh mới mà Covid-19 đem lại. Hoạt động cơ cấu lại tài sản diễn ra trong bối cảnh thị trường tiêu thụ của nhiều ngành kinh doanh không thuận lợi và mặt bằng lãi suất thấp bởi động thái hạ lãi suất điều hành hàng loạt của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Trái với xu hướng rút ròng ở nhiều thị trường tiền tệ hay chứng khoán, động lực từ các chính sách tiền tệ nới lỏng đã khiến các quỹ trái phiếu ở hầu hết các thị trường đều ghi nhận dòng vốn vào với tổng cộng 64,6 tỷ USD đổ vào chỉ trong tháng 10 vừa qua, nhiều nhất là các quỹ trái phiếu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đầu tư vào trái phiếu cũng là một trong các cơ hội mà các nhà đầu tư quan tâm và thảo luận tại tọa đàm “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư vừa tổ chức. Tương tự như nhiều quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có tới 4 đợt hạ lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay. Việc này tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và tạo đà cho xu hướng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.

Nhờ cuộc đua phát hành trước khi loạt quy định nâng cao các tiêu chuẩn và nguyên tắc phát hành chặt chẽ tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN riêng lẻ có hiệu lực, trong khi lãi suất tiết kiệm giảm, thị trường TPDN sơ cấp giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư đã tăng nóng trong tháng 7 - 8/2020. Lượng TPDN chào bán ra thị trường trong 9 tháng đã vượt tổng lượng chào bán của cả năm 2019.

Tuy nhiên, một con số thậm chí đáng chú ý hơn là sự cải thiện của tỷ lệ phát hành/khối lượng chào bán, từ mức 93% (2019) lên 98% (9 tháng đầu năm 2020). Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, tỷ lệ phát hành thành công tăng từ 87,5% lên 97,2%.

Thay thế kênh tiền gửi chỉ mang về mức lãi suất tiền gửi thấp, thị trường TPDN thứ cấp đang hết sức sôi động. Với nguồn cung sụt giảm khi nhu cầu với loại chứng khoán này vẫn còn cao, đại diện Khối phân tích (Công ty Chứng khoán SSI) nhận định, thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong quý IV/2020.

Tăng cường minh bạch thông tin để bảo vệ nhà đầu tư

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phòng Phát triển năng lực đầu tư (Công ty Chứng khoán VPS), Nghị định 81/2020/NĐ-CP ra đời không chỉ để chấn chỉnh hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ, mà còn bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Điển hình như quy định bổ sung hợp đồng mua trái phiếu vào hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp với điều khoản thể hiện cam kết của nhà đầu tư đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu. Tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu cũng có thêm trách nhiệm thực hiện báo cáo 6 tháng/lần về tình hình tư vấn phát hành TPDN.

Thống kê của Khối phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm 0,7 -1,1 điểm phần trăm chỉ trong riêng quý III/2020, đưa lãi suất tiền gửi về vùng thấp lịch sử, hiện ở mức 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng. Nhờ đó, chênh lệch lãi suất TPDN trên thị trường thứ cấp và lãi suất tiền gửi giãn rộng, khoảng 2 - 4%/năm.

Theo kế hoạch, sở giao dịch chứng khoán sẽ xây dựng và vận hành một chuyên trang để tổng hợp thông tin về TPDN sau khi nhận các báo cáo. Tuy nhiên, cập nhật mới nhất theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, thì chuyên trang mới có quy chế vận hành, nhưng các thông tin TPDN hiện vẫn chỉ được công bố trên một mục thuộc website của sở.

Với sự phát triển nóng thị trường, cần sớm đưa vào hoạt động chuyên trang, nhằm tăng trách nhiệm của tổ chức phát hành, đồng thời để nhà đầu tư nắm rõ rủi ro của sản phẩm đang đầu tư.

Ngay ở thời điểm hiện tại, với quy định hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, các giao dịch thứ cấp cũng đang hạn chế trên phạm vi rộng. Thậm chí, trong tương lai, khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ chỉ được thực hiện với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Dù vậy, các quy định này vẫn chưa thể khiến thị trường phát hành trái phiếu ra công chúng sôi động hơn, bởi mới có dưới 5 tổ chức thực hiện phương thức này từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia cũng cho rằng, với điều kiện phát hành chặt chẽ và quy trình thủ tục mất khá nhiều thời gian, việc phát hành ra công chúng khó có thể tăng mạnh ngay. Tuy vậy, cùng với việc thúc đẩy hoạt động định hạng tín nhiệm TPDN, đây là sân chơi cần mở rộng và phát triển để huy động vốn bền vững từ các nhà đầu tư cá nhân.

Theo Thanh Thủy

Báo Đầu tư

336x280_-24-06-2022-13-04-29.jpg