Trang chủ » Đời sống - tiêu dùng » » Hàng trăm hộ xây dựng trên đất nông nghiệp: Chỉ cưỡng chế 7 trường hợp còn người nhà cán bộ không bị xử lý?

Hàng trăm hộ xây dựng trên đất nông nghiệp: Chỉ cưỡng chế 7 trường hợp còn người nhà cán bộ không bị xử lý?

16/08/2022 17:46:23

Sau khi chính quyền huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cưỡng chế 7 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Nam Phong, nhiều người dân bức xúc cho rằng còn rất nhiều hộ cũng vi phạm nhưng chưa bị xử lý, trong đó có người nhà cán bộ xã, Đảng ủy viên...

Nhiều hộ dân tại thôn Cổ Châu, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội bức xúc về việc chính quyền địa phương cưỡng chế vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng nhà đập, nhà lại "ngó lơ".

Người nhà cán bộ không bị xử lý dù xây dựng trên đất nông nghiệp

Mới đây, UBND huyện Phú Xuyên đã thực hiện xử lý vi phạm đối với 7 trường hợp tại xã Nam Phong. Theo đó, việc xử lý vi phạm được thực hiện theo kết luận số 27-KL/UBKTTU ngày 20/1/2017 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội.

7 công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc các thôn Nội Hợp, Cổ Châu, Nam Phú.

Thực hiện quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương, một sộ hộ dân đã chấp nhận tự nguyện tháo dỡ công trình sai phạm trên đất nông nghiệp. Một số hộ xin chủ trương chuyển đổi nhưng không được, đến nay đã bị cưỡng chế.

Trong vụ việc này, nhiều người dân tỏ ra bức xúc vì còn những người sai phạm tương tự nhưng chưa bị xử lý, bởi có nhiều lý do không rõ ràng.

"Cả cái xã này có đến vài trăm trường hợp, thế nhưng sao chỉ cưỡng chế có 7 trường hợp. Riêng thôn Cổ Châu này từ những năm 2014 - 2015 đã có gần 50 trường hợp giống nhà tôi, địa phương đều nắm được nhưng đến nay chỉ cưỡng chế có 2 nhà.

Cùng nằm trên cánh đồng ấy, nhiều nhà xây, nhưng phá dỡ mỗi hai nhà. Chính quyền làm thế ai chịu được", anh Nguyễn Văn Quyết (người dân vừa bị cưỡng chế nhà do xây dựng trên đất nông nghiệp) bức xúc nói.

Gần 1 tháng nay, gia đình 3 người nhà anh Quyết phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất" bởi căn nhà đã bị tháo dỡ.

"Gia đình tôi biết việc làm của mình là không đúng nhưng nếu chính quyền cho nộp tiền sử dụng đất hoặc xin chuyển đổi, gia đình sẵn sàng nộp, bởi khu đất nông nghiệp này nhiều năm không thể canh tác", anh Quyết nói thêm.

Hà Nội: Hàng trăm hộ vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, chính quyền chỗ cưỡng chế, chỗ không - Ảnh 3.

Anh Quyết gấp vội chăn màn ngủ ở nền gạch.

Hà Nội: Hàng trăm hộ vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, chính quyền chỗ cưỡng chế, chỗ không - Ảnh 4.

Khu vực này trước đây là nhà tắm, khu vệ sinh nay được anh Quyết và gia đình dựng tạm để bỏ đồ.

Cùng chung y kiến, bà Đào Thị Liên cho biết, gia đình biết việc làm của mình chưa đúng với quy định của pháp luật, nhưng hàng trăm hộ khác cũng sai như vậy nhưng tại sao chính quyền không cưỡng chế, có những người còn là em gái, người thân của lãnh đạo xã, Đảng ủy viên.

Theo phản ánh của người dân, rất nhiều trường hợp vi phạm, thấy rõ nhưng không xử lý hoặc cưỡng chế cho có "lệ" rồi để vậy, mặc sai phạm vẫn tiếp tục.

Hà Nội: Hàng trăm hộ vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, chính quyền chỗ cưỡng chế, chỗ không - Ảnh 5.

Khu ki ốt trên đất nông nghiệp của bà Đào Thị Liên sau khi chính quyền cưỡng chế tháo dỡ.

Theo tìm hiểu, tại xã Nam Phong, hàng loạt trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp nhưng không được xử lý triệt để.

Cụ thể, tại thôn Nam Phú cả một khu vực rộng, hàng chục ngôi nhà san sát nhau, đều xây dựng trên đất nông nghiệp. Chưa hết có những ngôi nhà mới xây, to đẹp đan xen.

Hàng trăm hộ xây dựng trên đất nông nghiệp: Chỉ cưỡng chế 7 trường hợp, người nhà cán bộ không bị xử lý? - Ảnh 6.

Nhiều hộ gia đình vi phạm xây dựng tại thôn Nam Phú. Ảnh trên là ngôi nhà của hộ gia đình Quyên Bách được chính quyền phát hiện xây móng từ tháng 1/2022 nhưng đến nay đã được xây dựng kiên cố.

Trong đó có hộ gia đình nhà Quyên Bách xây dựng trên đất nông nghiệp từ đầu năm 2022, chính quyền phát hiện từ lâu nhưng đến nay, căn nhà đã xây dựng gần xong.

Hộ gia đình anh Lê Văn Lưu (em rể ông Nguyễn Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phong) xây dựng từ những năm 2017, 2018 đến nay chưa bị xử lý.

Hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Sơn - Đảng ủy viên xã Nam Phong, xây dựng trên đất nông nghiệp nhiều năm nhưng xử lý không triệt để...

Ngoài ra còn nhiều trường hợp vi phạm khác, thế nhưng chính quyền xã Nam Phong nhà xử lý nhà thì "ngó lơ".

Chính quyền xã Nam Phong nói gì về việc xây dựng trên đất nông nghiệp?

Để rộng đường dư luận, phóng viên Dân Việt đã đặt lịch làm việc với UBND xã Nam Phong.

Người đại diện tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Văn Cảnh - Cán bộ địa chính xã.

Ông Quang cho biết, việc địa phương cưỡng chế theo chỉ đạo của UBND huyện.

"Vừa rồi chúng tôi cưỡng chế 7 trường hợp, trong đó nhà ông Quyết và bà Liên do UBND huyện cưỡng chế bởi diện tích hơn 100m2. Khu đất nhà bà Liên, ông Quyết vi phạm từ những năm 2014 - 2015, đến năm 2017 UBKT Thành ủy Hà Nội ra kết luận 27 trong đó có hai nhà này vi phạm", ông Quyết nói.

Khi phóng viên yêu cầu xem kết luận 27, vị Phó Chủ tịch UBND xã nói rằng: "Thật sự bọn anh cũng không biết nội dung của kết luận 27 như thế nào. Chỉ thị của huyện thì bọn anh làm thôi".

Vị Phó Chủ tịch nói thêm: "Việc vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp là có, nhưng không đến 500 trường hợp như người dân phản ánh. Trước đó thì anh không biết, nhưng 1 năm trở lại đây có khoảng 10 trường hợp vi phạm, chính quyền đang xử lý".

Hà Nội: Hàng trăm hộ vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, chính quyền chỗ cưỡng chế, chỗ không - Ảnh 6.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Dân Việt đã đặt lịch làm việc với UBND xã Nam Phong.

Lý do không xử lý vi phạm của người nhà

Nói về sai phạm xây dựng của "người nhà" trên đất nông nghiệp, đại diện chính quyền xã Nam Phong "đỗ lỗi" do xảy ra từ những đời Chủ tịch xã trước.

"Dãy nhà tại Nam Phú vi phạm từ những năm 2000. Mới đây có hộ gia đình nhà Quyên Bách, chúng tôi phát hiện từ lúc làm móng là đầu năm 2022, nhưng họ cứ lén lút xây đêm xây hôm.

Khu vực đó vừa rồi có đường chạy qua, gia đình xin xây lại 1,2 gian để chăn nuôi và trông coi. Nhưng trên thực tế thì xin một đằng xong làm một nẻo. Anh em chính quyền phát hiện ra và đã lập biên bản rồi", ông Quang phân trần.

Nói về vi phạm của em gái ruột mình, ông Quang lúc đầu khẳng định không rõ ngồi nhà đó là nhà của ai, nhưng sau đó ông thừa nhận là nhà của em ruột mình.

"Vi phạm này xảy ra từ đời ông Tuyến còn làm Chủ tịch (ông Trần Đức Tuyến, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Phong, hiện đang công tác tại UBND huyện Phú Xuyên - PV), đến nay chưa xử lý.

Còn trường hợp của ông Sơn chúng tôi đang tiến hành xử lý, hồ sơ việc này tôi sẽ kiểm tra lại và thông tin với quý báo sau", vị lãnh đạo xã nói.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo thông tin Dân Việt có được, ngày 21/5/2020, UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành Kết luận số 952/KL-UBND đối với ông Trần Đức Tuyến – nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Phong và ông Tạ Quang Phát – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Phong.

Kết luận nêu rõ: Với nội dung tố cáo ông Trần Đức Tuyến trong giai đoạn năm 2016 – 2018, đã không thực hiện trách nhiệm với cương vị là người đứng đầu quản lý nhà nước tại địa phương, buông lỏng quản lý công tác đất đai, không xử lý vi phạm lấn chiếm và sử dụng đất đai không đúng mục đích của gia đình ông Tạ Quang Phát tại vị trí ao ông Hoạt, thôn Nội Hợp là đúng.

UBND huyện Phú Xuyên yêu cầu và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Trần Đức Tuyến đã để xảy ra tồn tại trong công tác quản lý đất tại vị trí ao ông Hoạt, thôn Nội Hợp. Giao Phòng Nội vụ huyện tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân có liên quan.

Theo Báo Dân việt

Sp-hoc-vien-hoc-do-hoa-789-my-dinh2_-12-11-2020-10-39-04.jpg