Dự án Hòa Lân và vụ án Công ty Kim Oanh: Nhiều sai phạm cần phải được làm rõ

28/06/2021 16:55:57

Ngày 22/6/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã có Quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của TAND TP.HCM.

Quyết định kháng nghị của Viện cấp cao 3 là đúng đắn, được dư luận và nhân dân đồng tình.

Ngành kiểm sát có vai trò, đóng góp rất quan trọng đã được ghi nhận trong công cuộc chống tham nhũng. Kết quả đấu tranh chống tội phạm tham nhũng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Kiểm sát và Viện trưởng VKSND tối cao.

Vụ việc này liên quan đến mảnh đất thuộc dự án Hoà Lân, trong đó Công ty Thiên Phú, Ngân hàng Nông nghiệp và Công ty Kim Oanh là những đơn vị liên quan trực tiếp.

Nhiều vấn đề phức tạp

Nội dung vụ việc cho thấy, Công ty Kim Oanh là doanh nghiệp mua lại Công ty Tân Phú với giá 350 tỷ đồng, thấp bất thường, thấp hơn cả giá vốn của bên bán, nhưng lại có ngay 43 ha đất vàng trị giá hàng ngàn tỷ đồng của Tổng công ty SX-NNK Bình Dương. Vụ án hình sự này được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo.

Công ty Kim Oanh trúng đấu giá gần 50 ha đất của Công ty Thiên Phú tại dự án Hòa Lân, vị trí đắc địa tại cửa ngõ Bình Dương với giá 1.353 tỷ đồng nhưng khu đất được nhiều chuyên gia nhận định có giá đến 5.000 tỷ đồng.

Trúng thầu mảnh đất vàng với giá hời, Công ty Kim Oanh còn được “ưu ái” được trả chậm tới 2 năm, không tuân thủ quy chế đấu giá đã công bố là 45 ngày. Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn không thu hồi lại tài sản để đấu giá lại, vẫn mong muốn cho Công ty Kim Oanh mua tài sản. Cuối cùng là Nhà nước thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tiền vay.

Trước những diễn biến này, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã công nhận cho Công ty Kim Oanh trúng đấu giá để giải quyết lại.

Ngay từ khi cho Công ty Thiên Phú vay, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn đã có những sai phạm nghiêm trọng. Khả năng tài chính của Công ty Thiên Phú yếu kém, kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Công ty Thiên Phú không có vốn tự có theo cam kết nhưng vẫn được ngân hàng giải ngân.

Công ty Thiên Phú vay để thực hiện dự án bất động sản, nhưng ngân hàng đã giải ngân 592 tỷ đồng cho Công ty từ khi chưa có quyết định giao đất. Công ty Thiên Phú dùng tiền vay để trả lãi vay, dùng tiền vay chi trả cho các hoạt động khác.

Nội dung Quyết định kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nêu rõ: Việc làm trái nói trên cho thấy có dấu hiệu thông đồng giữa cán bộ Ngân hàng và Công ty Thiên Phú để rút vốn vay ngân hàng”. Cho đến khi xét xử phúc thẩm tranh chấp Hợp đồng đấu giá, Công ty Thiên Phú còn nợ Ngân hàng hơn 2.600 tỷ đồng.

Trong dự án Hòa Lân, Công ty Thiên Phú được giao hơn 24 ha đất không thu tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng vì lợi ích chung. Pháp luật nghiêm cấm kinh doanh, chuyển nhượng, thế chấp loại đất này. Nhưng Công ty Thiên Phú vẫn thế chấp toàn bộ khu đất giao không thu tiền này cho Ngân hàng và sau đó Ngân hàng tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty Kim Oanh qua đấu giá.

Do giá thị trường luôn biến động, pháp luật quy định các chứng thư thẩm định giá bất động sản chỉ có giá trị 6 tháng. Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn đã sử dụng chứng thư định giá hết hạn để bán đấu giá khu đất dự án Hòa Lân.

 

Để xác định tổng giá trị khu đất phải căn cứ từng vị trí, mục đích sử dụng để áp đơn giá đất tương ứng. Chứng thư thẩm định để bán đấu giá không xác định từng vị trí đất trong dự án Hòa Lân, mà xác định chung là “đất ở đô thị”, áp dụng đổ đồng đơn giá rất thấp là 2,5 triệu đồng/m2, không phù hợp thực tế vì dự án Hòa Lân có 3 mặt tiền đường, vi phạm luật đất đai.

Kết quả thẩm định vào thời điểm tháng 3/2017 khu đất có giá trị hơn 2.764 tỷ đồng, so với giá bán cho Công ty Kim Oanh 1.353 tỷ đồng và thu lãi chậm trả trong hai năm với mức 8%/năm thì Nhà nước bị thất thoát hơn 1.300 tỷ đồng.

Công ty đấu giá Nam Sài Gòn do ông Nguyễn Việt Hưng thành lập, điều hành và có cổ phần chi phối 76%. Ông Nguyễn Việt Hưng đồng thời là Trưởng Phòng, thành viên Hội đồng xử lý tài sản của Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn. Chính ông Nguyễn Việt Hưng biểu quyết chọn Công ty Nam Sài Gòn là đơn vị bán đấu giá, không đảm bảo khách quan, vi phạm quy định pháp luật về đấu giá.

Kháng nghị nêu rõ sai phạm

Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn bán đấu giá cả ba dự án Cầu Đò, Mỹ Phước, Hòa Lân với tổng diện tích đến 130 ha đất tại Bình Dương đều với những “kịch bản” giống nhau. Theo Viện cấp cao 3 “các vi phạm này được thiết lập trên một phương thức chung, đó là: Tạo ra những quy định đấu giá khắt khe, nhưng sau khi đấu giá thành thì có sự thay đổi Quy chế theo hướng tạo thuận lợi hơn cho bên trúng đấu giá”. Quy chế yêu cầu thanh toán tiền trong hạn 45 ngày, nhưng sau khi trúng thì kéo dài nhiều năm. Quy chế yêu cầu phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh về chuyển nhượng dự án, nhưng sau khi bán đấu giá thì bỏ điều kiện này.

Theo Quyết định kháng nghị thì, hành vi trên vi phạm nguyên tắc bình đẳng, công khai vì nếu trước khi đấu giá những điều kiện này được công bố công khai thì sẽ có nhiều người tham gia đấu giá hơn, những người cùng tham gia đấu giá khác biết trước các điều kiện thuận lợi này thì họ sẽ trả giá cao hơn, làm cho kết quả đấu giá đến gần giá trị thực, Nhà nước không bị thất thoát tài sản. Viện cấp cao 3 nhận định “ngân hàng đã nhân nhượng, cố tình bao che” cho Công ty Kim Oanh, “làm ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ xấu của ngân hàng cũng như quyền lợi Nhà nước”.

Viện cấp cao 3 nêu rõ đơn vị trúng đấu giá đất 3 dự án trên là Công ty Kim Oanh và Công ty Thuận Lợi có liên quan đến nhau, “Cả hai đơn vị này được Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi trong việc cho phép chậm thanh toán, trường hợp này có dấu hiệu của “lợi ích nhóm” lợi dụng kẽ hở của luật đấu giá nhằm thâu tóm các dự án với giá thấp”.

Theo Viện cấp cao 3, “Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ những vi phạm nghiêm trọng của Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn, Công ty thế hệ mới, Phòng công chứng thành phố mới trong việc đấu giá, sử dụng chứng thư định giá hết hạn, không đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, công khai, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, luật công chứng …” và đặc biệt là các đơn vị này “cố tình bao che và không có biện pháp xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm” của Công ty Kim Oanh.

Theo hồ sơ, Công ty Thiên Phú không còn hoạt động, không có khả năng trả nợ. Sau khi thu tiền từ bán đấu giá tài sản, Công ty Thiên Phú còn phải trả Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn hơn 1.100 tỷ đồng, số nợ này thực tế không còn khả năng thu hồi.

Theo Viện cấp cao 3, đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, việc Tòa không hủy kết quả bán đấu giá là bỏ lọt những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, “chưa đánh giá được mức độ của những vi phạm đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng”.

Bên cạnh các vi phạm về cho vay, đấu giá, Viện cấp cao 3 cũng chỉ rõ các sai phạm trong việc phê duyệt Dự án, giao đất, quản lý đất đại của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tỉnh Bình Dương với Công ty Thiên Phú. Việc duyệt dự án, giao đất cho Công ty Thiên Phú không có năng lực tài chính là vi phạm pháp luật, dẫn đến dự án bị bỏ hoang, kéo dài nhiều năm, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước ở mức độ “đặc biệt nghiêm trọng”.

Quyết định kháng nghị của Viện cấp cao 3 là đúng đắn, được dư luận và nhân dân đồng tình.

Ngành kiểm sát có vai trò, đóng góp rất quan trọng đã được ghi nhận trong công cuộc chống tham nhũng. Kết quả đấu tranh chống tội phạm tham nhũng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Kiểm sát và Viện trưởng VKSND tối cao.

Theo Ngày nay

300px-X-600px_-25-09-2021-14-17-13.jpg