Lợi nhuận các công ty chứng khoán trở thành điểm sáng trong bức tranh quý II, sau kỳ kinh doanh bết bát trước đó.
Cập nhật đến ngày 3/8, thống kê cho thấy 826 doanh nghiệp trên 3 sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý II, đại diện cho 47,4% tổng số mã cổ phiếu và 94% vốn hóa. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề. Bức tranh chung không mấy sáng sủa dù đã hồi phục hơn so với quý I trước đó khi doanh thu toàn thị trường giảm 16,5% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận ròng giảm 14,4%.
Tuy nhiên, ở kỳ này, dịch vụ tài chính mà chủ yếu là các công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận tăng vọt 169,6% so với cùng kỳ. Nhóm ngành chứng khoán lấy lại sự khởi sắc sau quý I bết bát.
Theo thống kê kết quả kinh doanh 64 công ty chứng khoán, tổng lợi nhuận quý II/2020 của nhóm này hồi phục mạnh, đạt hơn 3.441 tỷ đồng, gấp 2,26 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh hồi phục mạnh trong quý II giúp nhiều công ty nhanh chóng lấy lại phần lớn những gì đã mất ở quý I trước đó. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của các đơn vị trong ngành này đạt hơn 3.877 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ.
Tính riêng trong quý II, TCBS đứng đầu trong nhóm các công ty chứng khoán về lợi nhuận với 608,6 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ. Dù hoạt động môi giới hay lãi từ cho vay margin không phải thế mạnh, TCBS vẫn thắng lớn nhờ doanh thu tự doanh và nguồn thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán (485 tỷ đồng). Lợi nhuận nửa đầu năm ở mức trên 1.000 tỷ đồng, gấp 2,13 lần kỳ trước.
SSI giữ ngôi á quân lợi nhuận quý II khi thu về khoản lãi 522,4 tỷ đồng, tăng 137%. Dù lợi nhuận quý I rơi sâu (chỉ đạt gần 9 tỷ đòng), SSI vẫn báo lãi ròng nửa đầu năm tăng trưởng 27%. Trong khi đó, dù là công ty chứng khoán có lãi lớn thứ ba quý II, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) chưa bù lại được toàn bộ sự sụt giảm từ quý thua lỗ trước đó. Lợi nhuận trong nửa đầu năm vẫn giảm 53% so với cùng kỳ nhưng cũng đã là sự hồi phục đáng kể.
Phần lớn các công ty chứng khoán tăng được lợi nhuận quý này là nhờ hoạt động bán tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và môi giới.
Tự doanh sôi động, VCSC lãi ròng 173 tỷ đồng từ bán tài sản tài chính
Trong quý II vừa qua, thị trường chứng khoán đi lên từ đáy sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Kết thúc quý II, chỉ số chính VN-Index đứng ở mức 825,11 điểm, tương ứng tăng đến 32,5% so với thời điểm cuối tháng 3/2020.
Danh mục tự doanh của khá nhiều đơn vị nhờ đó được đánh giá chênh lệch tăng vào thời điểm cuối kỳ so với kỳ trước (31/3/2020). Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán cũng nhanh chân “chốt” lời một số cổ phiếu cũng giúp ghi nhận khoản doanh thu đáng kể khi thị trường bứt phá.
Trong 64 công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh trong quý II/2020, khoản doanh thu thu được từ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt tổng cộng 3.760 tỷ đồng, gấp 2,15 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm đến 43,4% tổng doanh thu hoạt động, trong khi tỷ lệ này ở cùng kỳ chỉ là 29,4%.
Cơ cấu doanh thu hoạt động của 64 công ty chứng khoán. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Bóc tách chi tiết khoản doanh thu này, ba cấu phần chính cần nhắc đến là lãi bán các tài sản tài chính FVTPL, chênh lệch tăng đánh giá lại FVTPL và cổ tức, tiền lãi phát sinh từ FVTPL. Trong đó, phần lãi từ bán các tài sản tài chính FVTPL có được do công ty chứng khoán thực hiện “chốt lời” và ghi nhận vào doanh thu hoạt động. Chỉ tính riêng nguồn thu từ việc bán tài sản tài chính này, Chứng khoán VPS (VPS) là đơn vị dẫn đầu khi ghi nhận đến 317 tỷ đồng. Chứng khoán SSI (SSI) đứng thứ 2 với 216,4 tỷ đồng. Chứng khoán Bản Việt (VCI), Chứng khoán TP HCM (HSC), Chứng khoán VNDirect (VND) và Chứng khoán Techcombank (TCBS) đều đạt trên 100 tỷ đồng trong quý II/2020.
Ngoài doanh thu, nhiều công ty chứng khoán cũng phải ghi nhận một khoản lỗ đáng kể từ việc bán FVTPL do quyết định bán cắt lỗ hay chênh lệch giảm đáng giá lại FVTPL. VPS dù là công ty lãi lớn nhất từ hoạt động này nhưng cũng là đơn vị lỗ đến 488 tỷ đồng từ việc bán FVTPL. Nguồn thu chính của mảng tự doanh mà VPS có được chủ yếu đến từ cổ tức và tiền lãi phát sinh từ FVTPL. Hay như SSI cũng ghi nhận lỗ FVPTL đến 206 tỷ đồng trong quý vừa qua. Điểm sáng bù lại là phần chênh lệch giảm đáng giá lại FVTPL kỳ này chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng.
Nếu tính ròng chênh lệch lãi – lỗ từ việc bán tài sản tài chính trong quý II, Chứng khoán Bản Việt (VCSC – mã VCI) có lời nhiều nhất với 173 tỷ đồng lãi ròng thu về từ tự doanh.
Thanh khoản tăng mạnh, doanh thu môi giới bứt phá
Không chỉ tăng về điểm số, thị trường chứng khoán quý II ghi nhận thanh khoản tăng mạnh. Đây cũng là yếu tố giúp kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán đi lên. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng đạt hơn 9,55 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch khoảng 146.660 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng lần lượt 59,62% về khối lượng và 31,32% về giá trị. Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 6.660 tỷ đồng/phiên và khối lượng giao dịch đạt trên 434 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tỷ lệ tăng lần lượt là 16,15% và 38,23%.
Tổng doanh thu môi giới của 64 công ty chứng khoán trong quý II đạt 1.474 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. SSI là đơn vị đứng đầu về doanh thu môi giới với 190,2 tỷ đồng tăng đến 46% so với cùng kỳ, tiếp theo là HCM và VPS với lần lượt 144 tỷ đồng và 126 tỷ đồng tăng lần lượt 13,5% và 126,8%.
30 công ty chứng khoán có doanh thu môi giới lớn nhất quý II/2020. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Bên cạnh đó, mảng môi giới quý này còn ghi nhận sự vươn lên đáng kể của một số công ty chứng khoán nhỏ. Doanh thu môi giới của Chứng khoán Shinhan (NASC) tăng từ 160 triệu đồng lên hơn 11,3 tỷ đồng. Hay như trường hợp của Chứng khoán Tân Việt (TVSI), doanh thu môi giới ở mức 41,2 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ và vượt qua SHS đứng thứ 13 trong top các công ty chứng khoán có doanh thu môi giới lớn nhất quý.
11/11/2020 09:31:43
11/11/2020 09:34:17
11/11/2020 09:37:46
11/11/2020 09:44:22
11/11/2020 09:52:20
15/11/2020 10:30:20
15/11/2020 13:21:30
14/12/2020 20:21:11
19/12/2020 18:24:04
01/01/2021 17:46:51