Cần kiên quyết xử lý, cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng

15/05/2024 21:20:20

Tất các công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đều đã được chính quyền địa phương ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả từ tháng 12/2023. Đến nay, chính quyền thành phố Cao Lãnh vẫn còn “loay hoay” chưa xử lý, cưỡng chế tháo dỡ xong các công trình vi phạm…

 

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, Nhà hàng ẩm thực sinh thái Lộc Vừng Đỏ nằm tại cuối đường Ngô Thì Nhậm, Phường 3, thành phố Cao Lãnh. Chủ đầu tư công trình và chủ sử dụng đất là của ông Nguyễn Công Định. Khuôn viên nhà hàng có tổng diện tích là hơn 7.800m2, mục đích sử dụng đất là đất chuyên trồng lúa nước. Trong đó, diện tích xây dựng là hơn 800m2. Thời gian xây dựng từ ngày 24/3/2023 đến ngày 11/4/2023. Các công trình xây dựng trong nhà hàng này được xác định là không được cơ quan có thêm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Cuối tháng 12/2023, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai. Chủ đầu tư công trình này mới chỉ tháo dỡ một phần đối với các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp. Hoạt động kinh doanh vẫn được tiếp tục…

Nhà hàng ẩm thực sinh thái Nét Quê xây dựng nhiều công trình rộng gần 1.000m2 trên đất trồng cây lâu năm những không có giấy phép xây dựng. Ảnh: A.X

Còn tại Nhà hàng ẩm thực sinh thái Nét Quê nằm tại đường Trần Thị Nhượng, Phường 4, thành phố Cao Lãnh, chủ đầu tư công trình và chủ sử dụng đất là của ông Nguyễn Văn Cảnh. Nhà hàng nằm trong khu đất có tổng diện tích hơn 6.000m2, mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm. Trong đó, các công trình xây dựng có diện tích gần 1.000m2, thời gian xây dựng từ tháng 8/2022 và không hề được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng…

Cuối tháng 12/2023, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai. Ông Cảnh mới tháo dỡ một phần đối với các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp. Hoạt động kinh doanh vẫn được tiếp tục…

 Quán Karaoke Gold xây dựng không phép trên đất nông nghiệp từ tháng 5/2022... Ảnh: A.X

Quán Karaoke Gold nằm tại đường Thiên Hộ Dương, Phường 4, thành phố Cao Lãnh. Chủ đầu tư công trình là bà Phan Thị Thanh Kiều, chủ sử dụng đất là của ông Kh.D.L. và bà N.T.B.T. Tổng diện tích khu đất là hơn 1.500m2, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, bà Kiều đã tiến hành xây dựng công trình rộng gần 700m2 từ tháng 5/2022 mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng...

Cũng vào cuối tháng 12/2023, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai. Bà Kiều chưa tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm…

Cuối tháng 12/2023, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế các công trình vi phạm tại Nhà hàng sinh thái Ven Sông Tiền nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong công trình vi phạm. Ảnh: A.X 

Đối với Nhà hàng sinh thái Ven Sông Tiền nằm tại đường Ven Sông Tiền, Phường 6, thành phố Cao Lãnh, chủ đất và chủ đầu tư là ông Lê Thành Long (ngụ tại xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Công trình này được xây dựng từ tháng 7/2023 và không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Cuối tháng 12/2023, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai. Ông Long chỉ mới chỉ tháo dỡ một phần đối với các công trình vi phạm.

Còn quán Coffee Sông Tiền nằm tại đường Ven Sông Tiền, Phường 6, thành phố Cao Lãnh thì được bà Lê Thị Hồng Tím xây dựng từ tháng 8/2023. Công trình này cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Cuối tháng 12/2023, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai. Bà Tím chỉ mới chỉ tháo dỡ một phần đối với các công trình vi phạm.

Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: A.X

Rõ ràng, các công trình vi phạm trên đều đã được UBND thành phố Cao Lãnh ban hành quyết định cưỡng chế từ cuối năm 2023, song đến nay việc khắc phục hậu quả vẫn chưa hoàn thành. Sai phạm thì đã quá rõ ràng, không hiểu vì lý do gì mà chính quyền thành phố Cao Lãnh vẫn còn “loay hoay” chưa kiên quyết, quyết liệt cưỡng chế tháo dỡ xong những công trình vi phạm trên?

Dư luận cho rằng, việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian qua tại thành phố Cao Lãnh cho thấy lãnh đạo địa phương còn chưa sâu sát, chỉ đạo kịp thời để ngăn chặn, xử lý vi phạm. Các phòng, ban chuyên môn của thành phố còn thiếu kiểm tra, đôn đốc xử lý…

UBND thành phố Cao Lãnh cần sớm làm rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND các phường 3, 4, 6 với vai trò là người đứng đầu UBND phường trong việc để xảy ra những vi phạm về trật tự xây dựng cũng như thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời để ngăn chặn, xử lý vi phạm….

Đồng thời, cũng cần làm rõ trách nhiệm của Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan trong việc phối hợp với UBND các phường trong việc tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng…

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Theo Chu Tuấn/Thanh tra

 

300px-X-600px_-25-09-2021-14-17-13.jpg