Trang chủ » Doanh nghiệp » Bức tranh kinh doanh "xám xịt" với khối nợ hơn 6.500 tỷ, Tập đoàn Hoà Bình thời gian tới có còn "hoà bình"?

Bức tranh kinh doanh "xám xịt" với khối nợ hơn 6.500 tỷ, Tập đoàn Hoà Bình thời gian tới có còn "hoà bình"?

29/07/2022 19:07:24

Sau nửa năm, bức tranh kinh doanh của Tập đoàn Hoà Bình trở nên “xám xịt” với khoảng nợ hơn 6.500 tỷ đồng. Theo thống kê đến ngày 30/6/2022, Tập đoàn Hoà Bình đang là con nợ của ngân hàng BIDV khi đang vay hơn 2.250 tỷ đồng, kế đến là ngân hàng Vietinbank với khoản vay hơn 1.286 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn này còn vây ngân hàng MSB 480 tỷ đồng; Techcombank vay hơn 287 tỷ đồng;…

 

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Tập đoàn Hoà Bình; mã CK: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022, theo đó, công ty đạt doanh thu thuần tăng 28% so với cùng kỳ lên 4.080 tỷ đồng. 

Theo báo cáo tài chính quý 2/2022, doanh thu tài chính của Tập đoàn Hoà Bình tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 183 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay hơn 5,5 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ hơn 488 triệu đồng) và bán các khoản đầu tư thu về 126 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ thu về gần 51 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoà Bình cũng có hơn 52,3 tỷ đồng thu nhập khác từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư, lãi chậm thanh toán và các hoạt động khác, trong khi cùng kỳ ghi nhận 5,8 tỷ đồng. 

Mặt khác, chi phí lãi vay của Hoà Bình tăng 90% so với cùng kỳ lên 148 tỷ đồng, kéo chi phí tài chính ghi nhận tăng vọt gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 31%, chủ yếu do tăng chi phí nhân viên. 

Từ những biến động kể trên đã dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của Tập đoàn Hoà Bình giảm 14% so với cùng kỳ năm trước về mức 50,3 tỷ đồng.

1-1658982325.jpeg

Đòn bẩy nợ cao và rủi ro dòng tiền âm là những gì đang diễn ra tại Tập đoàn Hoà Bình.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Tập đoàn Hoà Bình đạt 7.062 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt gần 61 tỷ đồng, giảm gần 11%. 

Theo kế hoạch, năm 2022 Tập đoàn Hòa Bình đặt mục tiêu 17.500 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, song tính đến hết 6 tháng đầu năm, công ty mới hoàn thành 40% tiến độ doanh thu và 17,4% kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

 

Bức tranh tài chính của Tập đoàn Hoà Bình cũng trở nên “xám xịt” khi dòng tiền kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 bị âm nặng. Cụ thể, trong nửa đầu năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hoà Bình âm hơn 1.364 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 691 tỷ đồng), theo thuyết minh báo cáo tài chính chủ yếu do các khoản phải thu tặng mạnh.

Không chỉ vậy, trong nửa năm đầu 2022, Tập đoàn Hoà Bình cũng tăng chi tiền đầu tư góp vốn và cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác, do đó, dòng tiền đầu tư của công ty âm 200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 20,5 tỷ đồng. Từ những thống kê trên, trong nửa năm đầu 2022 tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn Hoà Bình âm gần 1.565 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. 

anh-chup-man-hinh-2022-07-28-luc-112711-sa-1658982453.png

Chi tiết nợ vay tại Tập đoàn Hòa Bình (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022).

Tính đến thời điểm 30/6/2022, tổng dư nợ vay của Tập đoàn Hoà Bình lên đến hơn 6.534 tỷ đồng.

Trong đó, nợ vay ngắn hạn hơn 5.460 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chủ yếu từ các ngân hàng.  Hiện ngân hàng BIDV là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Hòa Bình khi cho vay tới 2.266 tỷ đồng. Theo sau là ngân hàng Vietinbank cho vay 1.286 tỷ đồng; ngân hàng MSB cho vay hơn 480 tỷ đồng; Techcombank cho vay hơn 287 tỷ đồng; MB cho vay hơn 195 tỷ đồng…

Với khoản nợ vay dài hạn, Tập đoàn Hoà Bình tăng tới 170% so với đầu năm 2022, tương đương tăng thêm 675 tỷ đồng, lên gần 1.074 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ qua trái phiếu. Tại thời điểm 30/6/2022, dư nợ trái phiếu của Tập đoàn Hoà Bình hơn 982 tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với hồi đầu năm (290 tỷ đồng).

Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, việc Tập đoàn Hoà Bình vay vốn ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng để duy trì hoạt động kinh doanh trong khi hiện tại dòng tiền kinh doanh rơi vào trạng thái âm năng là rất đáng lo ngại. Nếu không cải thiện tình hình dòng tiền, sức khỏe tài chính kịp thời thì bức tranh tương lai của Tập đoàn Hòa Bình thời gian tới có thể sẽ không còn “hòa bình” nữa.

Được biết, Tập đoàn Hoà Bình gắn liền với tên tuổi ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, mới đây, vị chủ tịch này đã đăng ký mua hơn 6,6 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh từ ngày 27/7 đến 25/8. Mục đích giao dịch là đầu tư.

Ông Hải đang là cổ đông lớn tại Tập đoàn Hoà Bình với tỷ lệ sở hữu đạt 17,21% vốn điều lệ. Nếu giao dịch hoàn tất, vị lãnh đạo sẽ nâng lượng nắm giữ lên 48,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19,91%). Trước đó, từ ngày 23/6 đến 22/7, ông Hải đã mua vào 3,4 triệu đơn vị mã HBC để nâng lượng sở hữu từ 38,9 triệu cổ phần (tỷ lệ 15,84%) lên 42,3 triệu cổ phần (tỷ lệ 17,21%).

Theo Đại Vũ/Nhà quản lý

300x300_-30-10-2021-15-12-46.png Hình ảnh bò và bé trên khinh khí cầu_-11-04-2023-17-32-22.jpg