Trẻ bị tưa miệng nhẹ thì có mảng trắng dày bám ở lưỡi, mặt trong má, vòm miệng gây khó chịu. Nặng thì mảng trắng đầy miệng, dễ chảy máu, có nhiều mảng trợt loét khắp miệng, miệng khô nứt nẻ, không ngậm vú được, không nuốt được, quấy khóc. Miệng trẻ khô, rất hôi, có thể phát sốt nên dân gian còn bảo là trẻ bị nhiệt, nhiệt miệng. Trẻ bị tưa miệng nặng không ăn không bú được nên mất nước, suy kiệt nhanh.
Tưa miệng là do sự phát triển quá mức của nấm men Candida albicans (C. albicans) trong miệng, gây nên các mảng bám màu trắng trong miệng. Y học gọi là nấm miệng. Để phân biệt với cặn sữa, có thể lấy khăn lau mảng bám, nếu lau sạch dễ dàng thì đó là cặn sữa, còn mảng bám do nấm men thì dính chắc, lau không đi, dễ chảy máu.
Bình thường, một lượng nhỏ C. albicans vẫn sống trong miệng của bạn mà không gây hại. Nếu không giữ vệ sinh răng miệng, bú xong không uống nước cho sạch miệng, thường xuyên ăn đêm... lượng sữa còn dư trong miệng sẽ tạo mội trường cho nấm men phát triển.
Ngoài ra ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành mà còn bị nấm miệng thì cần xem các yếu tố ảnh hưởng. Nguyên nhân phát triển quá mức C.albicans khiến miệng bị nấm có khả năng là do dùng một số loại thuốc, khiến số lượng vi sinh vật có lợi trong cơ thể bị giảm, chẳng hạn như thuốc kháng sinh. Những người dùng nhiều thuốc corticoid điều trị hen, bệnh khớp…người suy yếu hệ miễn dịch chẳng hạn như bệnh bạch cầu và HIV, cũng tăng nguy cơ phát triển bệnh tưa miệng. Nấm miệng là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở những người nhiễm HIV.
Ở trẻ nhỏ đang tuổi uống sữa cần làm sạch miệng trẻ sau mỗi lần uống sữa, bằng cách cho uống 10 – 20 ml nước sạch. Hàng ngày nên vệ sinh miệng cho trẻ bằng nước sạch pha vài giọt chanh hoặc giấm. Dùng một miếng gạc sạch quấn vào ngón tay, chấm nước chanh loãng như trên rơ miệng cho trẻ. Miệng trẻ sạch cặn sữa và nước chanh loãng có pH axit sẽ ức chế nấm men phát triển.
Trẻ bị nấm miệng nặng, dễ chảy máu, loét miệng nặng, không ăn không bú được cần đưa trẻ tới bệnh viện. Tại đây các bác sĩ sẽ làm sạch miệng trẻ bằng nước muối sinh lý rồi bôi kháng sinh chống nấm như Nistatin, Miconazole, Fluconazole...
Nếu trẻ lớn và người trưởng thành cần loại trừ các nguyên nhân gây nên nấm miệng khác. Trường hợp nặng có khi phải uống thuốc chống nấm toàn thân như Itraconazole, Amphotericin B...
Hiện nay nhiều nơi ứng dụng tác dụng diệt nấm sát khuẩn của dung dịch iod hữu cơ. I od có tác dụng diệt nấm và các tạp khuẩn rất tốt. Chúng tôi dùng các dung dịch này điều trị các trường hợp nấm miệng, loét miệng nặng. Công dụng rất thần kỳ, sau khi rửa miệng bằng dung dịch iod này chỉ nửa ngày là thấy đỡ rõ, trẻ đã ăn bú trở lại, 2 ngày sau là hết viêm loét.
Cách pha dung dịch sát khuẩn: Lấy một cốc nước đun sôi để nguội khoảng 100 ml, nhỏ vào đó 10 giọt dung dịch sát khuẩn 10%, ngoáy đều lên, nước có màu nâu nhạt là được. Dùng khăn vải thấm nước này lau miệng cho trẻ bé. Với trẻ lớn bảo bé súc miệng rồi nhổ ra.
Nhiều người thường e ngại và đặt ra câu hỏi dung dịch sát khuẩn miệng là một loại thuốc sát trùng mà dùng thì có hại gì cho trẻ không?. Câu trả lời là nếu pha loãng như trên và chỉ dùng ngoài thì rất an toàn. Tuy nhiên, để thận trọng thì ta dùng dung dịch sát khuẩn miệng loãng này cho trẻ trên 3 tháng tuổi. Còn trẻ dưới 3 tháng thì rơ miệng cho trẻ bằng nước chanh loãng.
Theo Sức khỏe và đời sống
15/11/2020 09:57:20
05/11/2020 21:52:41
19/11/2020 11:22:30
18/11/2020 11:43:25
22/11/2020 11:34:06
22/11/2020 16:30:08
02/12/2020 09:08:11
03/12/2020 16:15:29
05/12/2020 11:10:20
18/12/2020 09:16:00