Hôm nay giá này, ngày mai giá khác
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, khi giá các bộ test/kit trên thị trường đã giảm rất mạnh, thì ngày 14/10 ghi nhận cho thấy, giá xét nghiệm Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh vẫn tăng cao. Trong đó, dẫn đầu là Bệnh viện FV với phí xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) 500.000 đồng và xét nghiệm RT-PCR (test PCR) một lần 3,2 triệu đồng, cao gấp 4,3 lần so với chỉ định giá của Bộ Y tế là 734.000 đồng.
Bệnh viện FV "hét giá" test PCR 3,2 triệu đồng/ 1 lần
Không thua kém, Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia (Số 1, Nơ Trang Long, phường 14, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cũng báo giá test PCR lên đến 1,9 triệu đồng/1 lần, test nhanh 300.000 đồng/1 lần; Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (36 đường Số 1B, Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) test nhanh Covid-19 là 400.000 đồng/lần, test PCR 1,6 triệu đồng/lần; Bệnh viện An Sinh (10 Trần Huy Liệu, phường 12, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) test nhanh là 350.000 đồng, test PCR trong khoảng 1 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn test nhanh 338.000 đồng, test PRC 9
Tuy nhiên, kỳ lạ là ngày 15/10 phản hồi báo Kinh tế & Đô thị, hầu hết các bệnh viện nói trên đều cho biết đã giảm giá xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, lý do vì sao giảm giá thì không hề đề cập.
Cụ thể, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn hiện đã hạ giá test nhanh từ 338.000 xuống còn 238.000 đồng, riêng test PCR 934.000 đồng là vì cộng thêm 200.000 đồng tiền khám sàng lọc.
Cùng thời điểm, Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia cũng đã hạ giá dịch vụ test nhanh từ 300.000 đồng xuống còn 265.000 đồng/1 lần. Với test PCR, bệnh viện này cho biết, đang chuẩn bị điều chỉnh mức giá.
“Ngày mai dịch vụ PCR bên em sẽ xuống mức giá mới, còn vì sao xuống thì em không biết, đó là quy định của bệnh viện” – nhân viên Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia nói.
Cũng là cơ sở y tế tư nhân, nhưng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park xét nghiệm Covid-19 theo giá chỉ định của Bộ Y tế. Test nhanh 230.000 đồng và test PCR 734.000 đồng/ 1 lần. Ảnh: Kết quả xét nghiệm và biên nhận chuyển khoản (230.000 đồng) test nhanh của chị N.T.K.T.
Tương tự, Bệnh viện An Sinh hiện cũng đã giảm giá test nhanh từ 350.000 đồng xuống 270.000 đồng. Trong khi đó, Bệnh viện FV dù thông báo đã ngưng thực hiện test nhanh Covid-19. Song, giá test PCR vẫn giữ nguyên ở mức 3,2 triệu đồng/lần: “FV là bệnh viện tư nhân nhưng vốn nước ngoài, nên giá sẽ phải cao hơn bệnh viện công, và cũng sẽ cao hơn hẳn bệnh viện tư nhân ở Việt Nam. Nguyên nhân là vì tất cả các trang thiết bị đều do bệnh viện tự trang bị, không phải do chính phủ hỗ trợ” – nhân viên FV giải thích.
Tuy nhiên, với cách lên xuống giá tùy tiện như trên, các bệnh viện tư này đã đăng ký giá với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hay chưa? Nếu đã đăng ký thì Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã duyệt hay chưa? Nếu đã duyệt thì ở mức nào có đúng với giá mà các bệnh viện thu phí xét nghiệm người dân hay không?
Người dân bức xúc
Dùng kit có giá bán trên thị trường 130.000 đồng (khung đỏ), Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn thu phí test nhanh 338.000 đồng
Chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, chị N.T.M.H. (ngụ đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây chị có đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (60-60A Phan Xích Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) khám bệnh đau dạ dày. Tổng tiền mà chị phải thanh toán cho bệnh viện là 1.776.000 đồng, nhưng hơn một nữa trong số đó (676.000 đồng) là phí test nhanh Covid-19.
“Ngày 13/7, để được vào bệnh viện thăm khám, tôi đã thực hiện test nhanh Covid-19 theo yêu cầu với mức giá 338.000 đồng. Đến sáng ngày 14/7, tôi quay lại bệnh viện để lấy kết quả siêu âm ngày hôm trước, thì bất ngờ phải test lại Covid-19 vì kết quả test ngày 13/7 chỉ có hiệu lực trong vòng 24 giờ, nhưng tôi lại vô tình đi lố 15 phút” - chị N.T.M.H. kể lại, và nhấn mạnh, khác với Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, ngày 10/10, chị đi khám răng ở Nha khoa Updental, phí test nhanh Covid-19 ở đây chỉ vỏn vẹn 200.000 đồng. Thậm chí, cơ sở này còn cho phép người đến khám răng tự mang theo que test, nhân viên ở đây sẽ test giúp hoàn toàn miễn phí để giúp tiết kiệm tiền cho khách hàng.
“Bên cạnh những đơn vị có tâm, hết lòng cùng TP chống dịch, chia sẻ khó khăn với người dân, thì vẫn còn một số bệnh viện xem dịch vụ test covid-19 như "mồi ngon", lợi dụng để nâng giá xét nghiệm" – chị N.T.M.H thất vọng.
Biên lai đóng tiền test Covid-19 (338.000 đồng) của chị N.T.M.H tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn
Cũng trong tâm trạng bức xúc, anh Đ.T. (ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, anh bị bệnh thận nhiều năm nay, nên tháng nào cũng phải 12 lần chạy thận (3 lần/tuần) ở Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (42 Quốc lệ 22, ấp Chợ, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, hiện tại vì không đủ tài chính chi trả test Covid-19, anh phải đổi sang một bệnh viện khác.
“Để được vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, bắt buộc phải vừa test nhanh, vừa test RT-PCR, mỗi lần như vậy hết gần 1 triệu đồng. Có nghĩa, một tháng tôi sẽ phải chi gần 12 triệu đồng chỉ để test Covid-19. Trong khi đó, ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn, tôi chỉ tốn có 99.000 đồng để test nhanh. Cùng là bệnh viện, cùng là test Covid-19, tại sao lại chênh lệch nhiều như vậy?” – anh Đ.T. thắc mắc.
Đồng cảnh ngộ, anh N.N.L. (ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh) cũng đau đầu vì tiền khám bệnh cho con ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (14 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) chỉ có 60.000 đồng, nhưng chi phí test Covid-19 lên đến mấy trăm ngàn đồng: “Để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, người dân TP trở lại nhịp sống bình thường, tôi mong cơ quan chức năng, các bộ ngành sớm vào cuộc quy định rõ ràng hơn về giá xét nghiệm Covid-19 ở các bệnh viện tư, không thể để tiếp diễn tình trạng, thích giá nào áp giá đó, tha hồ “móc túi” người dân. Chúng tôi đã quá khổ rồi!” – anh N.N.L. kiến nghị.
Bệnh viện FV là “ngoại lệ”?
Liên quan đến việc thu phí test PCR 3,2 triệu đồng/lần, ngày 23/10, trong nội dung phản hồi báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Tiếp Thị và Phát Triển Kinh Doanh Bệnh viện FV cho biết:
- Tất cả các văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế đều dẫn đến Nghị Định 177/2013 (được sửa đổi bởi Nghị Định 149/2016); Thông Tư 56/2014 (được sửa đổi bởi Thông Tư 233/2016) quy định rằng “việc kê khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là “theo hướng dẫn của Bộ Y Tế” mà cho đến giờ Bộ Y tế chưa có hướng dẫn nào cả”.
- Đồng thời, đại diện FV cũng khẳng định “UBND không có thẩm quyền hướng dẫn việc kê khai giá dịch vụ khám chữa bệnh nói chung và của bệnh viện tư nhân nói riêng”.
Quy trình thực hiện kê khai giá dịch vụ khám chữa bệnh với các cở sở tư nhân đăng công khai trên trang wed của Sở Y tế. Ảnh chụp từ màn hình
Tuy nhiên, cũng chính trong phần phản hồi này, bà Nguyễn Thị Lệ Thu lại cung cấp thêm thông tin rằng “những năm qua, UBND TP có ra văn bản kèm danh sách các bệnh viện cần kê khai và đăng ký giá dịch vụ hàng năm mà chỉ FVC (tức là phòng khám FV Saigon đóng tại Bitexco) kê khai”, và “Cuối năm 2020 UBND TP lại ra thông báo số 233 kèm danh sách các bệnh viện phải kê khai, đăng ký giá nhưng không có tên FVC và FVH (tức là Bệnh viện FV ở quận 7)”.
Để rồi, vị đại diện FV cho rằng “không có cơ sở nào bắt Bệnh viện FV phải đăng ký giá xét nghiệm Covid hay phải tuân thủ mức giá trần”.
Tuy nhiên, mâu thuẫn với phản hồi của FV, trước đó, ngày 14/10, trao đổi với PV Kinh tế&Đô thị, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, với giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế và Sở Y tế TP đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn cho các đơn vị y tế (bao gồm cả bệnh viện công lập và bệnh viện ngoài công lập). “Báo chí nếu ghi nhận có bất cập, thì hãy gửi thông tin để Thanh tra Sở Y tế tiến hành xác minh và xử lý”, bà Mai nói.
Đồng thời, liên quan đến giá xét nghiệm Covid-19, từ ngày 7/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 5378/BYT-KHTC hướng dẫn về mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 từ ngày 1/7/2021.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, từ ngày 1/7/2021, bệnh viện tư nhân được phép xây dựng giá trên cơ sở thực chi thực thu, có đăng ký giá với Sở Y tế và công khai, minh bạch giá tại các cơ sở y tế. Còn các bệnh viện công, thực hiện thu giá xét nghiệm của Bộ Y tế. Theo Công văn 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021, mức giá thanh toán xét nghiệm PCR là 734.000 đồng.
5 ngày sau hướng dẫn, ngày 12/7/2021, Sở Y tế Hà Nội đã nhanh chóng ban hành Công văn 10537/SYT-KHTC về việc thực hiện mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19, gửi các đơn vị công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị ngoài công lập.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế ngoài công lập đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 theo quy định: thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về công tác điều hành giá năm 2021 như sau: “Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá..., vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân”, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, đồng thời phải thực hiện việc quyết định mức giá, kê khai giá, niêm yết giá theo đúng quy định.
Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, vấn đề kê khai và quy trình đăng ký giá dịch vụ khám, chữa bệnh với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng đã được Sở Y tế hướng dẫn, công khai trên trang wed chính thức của Sở từ ngày 14/7/2017.
Điều 2 (khung đỏ) trong Thông báo số 223/TB-UBND, ngày 2/12/2020 của UBND TP Hồ Chí Minh
Thêm vào đó, theo tìm hiểu của PV, ngay tại Thông báo số 223/TB-UBND (Thông báo 223) ngày 2/12/2020 (mà đại diện FV dẫn chứng), trong danh sách 91 cở sở khám chữa bệnh tư nhân phải đăng ký giá với dịch vụ khám chữa bệnh với Sở Y tế, UBND TP không liệt kê FVC, FVH. Tuy nhiên, tại Điều 2, UBND TP mở rộng: “Với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, không có tên trong danh sách kèm theo Thông báo này thì thực hiện kê khai giá tại UBND quận, huyện theo nơi đăng ký trụ sở chính.
Liệu rằng, đây có phải là “kẻ hở” để Bệnh viện FV khẳng định, cơ sở này “nằm ngoài” quy trình đăng ký giá dịch vụ khám chữa bệnh? Chưa kể, trong Thông báo 223, hàng loạt các bệnh viện lớn từ công lập cho đến ngoài công lập đều có trong danh sách như: Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo, Bệnh viện Quốc tế Nhân Hậu, Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Hùng Vương, Viện Tim....
Vậy, lý do gì, Bệnh viện FV lại bị “bỏ quên”?
Đặc biệt, với phản hồi “…không có cơ sở nào bắt Bệnh viện FV phải đăng ký giá xét nghiệm Covid hay phải tuân thủ mức giá trần” là đúng hay sai? Câu hỏi này báo Kinh tế & Đô thị xin được gửi tới Bộ Y tế, UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để có câu trả lời thỏa đáng nhất.
Theo Tiểu Thúy/Tiêu dùng
15/11/2020 09:57:20
05/11/2020 21:52:41
19/11/2020 11:22:30
18/11/2020 11:43:25
22/11/2020 11:34:06
22/11/2020 16:30:08
02/12/2020 09:08:11
03/12/2020 16:15:29
05/12/2020 11:10:20
18/12/2020 09:16:00