Trang chủ » Doanh nghiệp » Ai đã 'chèo chống' giúp công ty Kim Oanh vượt qua mọi rào cản pháp luật?

Ai đã 'chèo chống' giúp công ty Kim Oanh vượt qua mọi rào cản pháp luật?

27/11/2020 10:46:55

Không chỉ sai phạm hành chính đơn thuần, nhiều dự án liên quan đến công ty Kim Oanh còn dính dáng đến pháp luật hình sự, buộc cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Được biết, từ tháng 7/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương (PC03) đã nhận được đơn của một số cá nhân tố cáo Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại lô H2 khu dân cư Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Ngày 5/11/2010, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 146/QĐ-CSĐT (Đ4) khởi tố vụ án hình sự về tội “trốn thuế” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án H2 đồng thời cũng có Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh.

Công ty Kim Oanh bị tố cáo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại lô H2 khu dân cư Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

 

Đây không phải là dự án đầu tiên liên quan đến Công ty Kim Oanh bị cơ quan Điều tra khởi tố vụ án. Mà trước đó, tại vụ án Tổng Công ty Bình Dương phù phép chuyển đổi 43 ha đất vàng gây thất thoát tài sản của nhà nước hàng loạt cá nhân có sai phạm trong việc góp, chuyển nhượng vốn tại Tổng Công ty Bình Dương đã bị khởi tố, về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tổng Công ty Bình Dương là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, được giao hơn 43 ha đất công để xây dựng khu đô thị Tân Phú trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương rộng hơn 567 ha.

43 ha khu đất vàng của Khu đô thị Tân Phú.

Tổng Công ty Bình Dương không khai thác khu đất này mà cùng Công ty Âu Lạc thành lập Công ty liên doanh Tân Phú đầu tư, kinh doanh dự án tại khu đất có diện tích 43 ha của Tổng công ty. Khi thành lập Công ty Tân Phú, Tổng Công ty Bình Dương góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.

 

Giá chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú chỉ hơn 250 tỷ đồng, tương đương với giá khoảng 580.000 đồng/m2. Việc chuyển nhượng này không thông qua một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào.

Ngày 2/8/2017, Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng nốt 30% giá trị vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc với giá hơn 161 tỷ đồng.

Trong khi đất tại đây được định giá thị trường lên tới hàng chục triệu một mét thì toàn bộ 43 ha đất “vàng” công sản bỗng trở thành tài sản riêng của tư nhân mà Tổng công ty chỉ thu về 351 tỷ đồng, gồm 250 tỷ chuyển nhượng đất ban đầu và tiền chênh lệch 101 tỷ giữa giá bán 30% cổ phần (161 tỷ đồng) và 60 tỷ đồng tiền vốn góp.

Như vậy, 43 ha đất đã được chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân với giá 351 tỷ đồng, tương ứng với hơn 800.000 đ/m2, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Sau khi sở hữu 100% vốn tại Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc bán 100% vốn cho Công ty A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh). Với giá chuyển nhượng hơn 350 tỷ đồng, Công ty Kim Oanh có ngay 100% vốn Công ty Tân Phú với 43 ha đất. Trò “ảo thuật” kết thúc, Công ty Kim Oanh là chủ sử dụng cuối cùng của mảnh đất.

Chưa hết, trong vụ việc tranh chấp kéo dài tại dự án Khu đô thị Hòa Lân, vào tháng 3/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công An (C03) đã khởi tố bắt tạm giam đối với 03 lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú, tỉnh Bình Dương với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, lập khống danh sách 14 hộ dân để chiếm đoạt trên 29 tỉ đồng của công ty Kim Oanh.

Như vậy, trong số bị can bị bắt giam, có những người mâu thuẫn không cùng lợi ích với Công ty Kim Oanh nhưng cũng có cả những người từng ngồi “chung đò” cùng chia sẻ lợi ích khi hợp tác làm ăn với Công ty Kim Oanh. Tại sao?

 

Có thể thấy rất rõ qua các vụ án, hầu hết các “con đò” liên quan đến Công ty Kim Oanh đều bị đắm nhưng duy nhất Công ty Kim Oanh không thể bị “chìm”? Vậy ai là người chèo lái công ty Kim Oanh vượt qua mọi rào cản pháp luật?

Theo Phạm Hiếu

Báo Nông nghiệp

300x300_-30-10-2021-15-12-46.png Hình ảnh bò và bé trên khinh khí cầu_-11-04-2023-17-32-22.jpg