Ngày 6 - 7 tháng 12/ 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (BV ĐHYD) tổ chức Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam lần thứ 23. Hội nghị không chỉ là sự kiện y khoa thường niên mà còn là cột mốc quan trọng đánh dấu những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh. Sự kiện quy tụ hơn 400 đại biểu, chuyên gia đầu ngành từ Việt Nam và quốc tế, tạo nên một diễn đàn khoa học đa chiều và đầy ý nghĩa.
Hội nghị tập trung vào những tiến bộ trong phẫu thuật sọ não, phẫu thuật cột sống. Đồng thời, lần đầu tiên, Hội nghị phẫu thuật Thần kinh Toàn quốc đã được tổ chức thành những phiên chuyên sâu với các mảng can thiệp thần kinh, thần kinh chức năng, quản lí đau, phẫu thuật thần kinh nhi, hồi sức ngoại thần kinh, và điều dưỡng trong phẫu thuật thần kinh. Hội nghị đã quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành cả trong và ngoài nước trong từng lĩnh vực đến báo cáo, đặc biệt là có sự góp mặt của Hiệp hội Phẫu thuật thần kinh châu Á cùng với gần 20 chuyên gia từ Pháp, Ý, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đến chia sẻ kinh nghiệm thu hút hàng trăm người tham dự trên khắp 3 miền đất nước.
Theo ThS BS. Nguyễn Long Phúc - Khoa Ngoại Thần kinh BV ĐHYD, một ca phẫu thuật sọ não rất phức tạp, không chỉ ở chỗ phải tiếp cận và loại bỏ tối đa sang thương, mà còn phải bảo tồn tối đa chức năng thần kinh cho người bệnh. Tại BV ĐHYD, khoa Ngoại Thần kinh đã và đang áp dụng các phương pháp tiên tiến như kĩ thuật bóc tách sợi chất trắng, sử dụng hệ thống định vị thần kinh để định vị chính xác tổn thương, kỹ thuật nhuộm khối u với chất chỉ thị màu trong mổ, cùng với hệ thống theo dõi điện sinh lý thần kinh trong mổ để làm tăng tỉ lệ lấy toàn bộ tổn thương và bảo tồn tối đa các cấu trúc quan trọng của não bộ. Điều này không chỉ giảm nguy cơ tái phát, cải thiện tỉ lệ sống còn, mà còn duy trì chất lượng cuộc sống tốt cho người bệnh.
Ngoài ra, khoa Ngoại thần kinh cũng áp dụng công nghệ in 3D để lập kế hoạch phẫu thuật chi tiết, cùng với áp dụng cộng hưởng từ chức năng, cộng hưởng từ bó sợi chất trắng, hình ảnh học tưới máu não và siêu âm trong mổ để cải thiện đáng kể tính hiệu quả và an toàn cho ca phẫu thuật.
Các mảng khác của phẫu thuật thần kinh như can thiệp và phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật cột sống, thần kinh chức năng cũng ngày càng hiện đại hơn với sự xuất hiện của phẫu thuật Hybrid, kỹ thuật nội soi, xâm lấn tối thiểu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). AI đang được sử dụng để phân tích hình ảnh y khoa, lập kế hoạch phẫu thuật cá nhân hóa và tăng độ chính xác trong điều trị. Những công nghệ này mang lại hiệu quả cao cho cuộc phẫu thuật và giảm nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cũng được ứng dụng trong đào tạo và mô phỏng phẫu thuật, hỗ trợ bác sĩ lập kế hoạch điều trị chính xác hơn, cung cấp góc nhìn toàn diện trong các ca mổ phức tạp. Hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật cũng dần được đưa vào sử dụng để tăng độ chính xác và giảm nguy cơ biến chứng.
Một trường hợp ấn tượng được trình bày tại hội nghị là người bệnh H.T.M, 62 tuổi, nhập viện trong tình trạng lơ mơ sau xuất huyết dưới nhện. Người bệnh được chẩn đoán có 3 túi phình động mạch não, gồm túi phình đỉnh động mạch thân nền và 2 túi phình động mạch cảnh trong hai bên. Ngay sau đó người bệnh đã được phẫu thuật cấp cứu kẹp cổ túi phình động mạch cảnh trong bên trái là nguyên nhân gây xuất huyết dưới nhện và kẹp túi phình động mạch đỉnh thân nền. Túi phình còn lại bên phải được phẫu thuật điều trị không lâu sau đó. Cả 2 cuộc mổ đều được thực hiện bởi phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm, sử dụng kính vi phẫu hiện đại và nhuộm huỳnh quang mạch máu nhằm đảm bảo điều trị hết túi phình và không gây biến chứng. Mặc dù đây là bệnh lí có tỉ lệ tử vong rất cao và 2 cuộc mổ đều rất phức tạp, không chỉ thách thức về giải phẫu mà còn phải thực hiện gấp rút trong tình huống cấp cứu để cứu sống người bệnh, nhưng sau cùng người bệnh đã hoàn toàn bình phục và trở lại sinh hoạt bình thường.
Theo ThS BS. Nguyễn Long Phúc, phẫu thuật thần kinh trong tương lai vẫn sẽ đặt hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống người bệnh lên hàng đầu. Để tối ưu những điều đó, ngành phẫu thuật thần kinh đang hướng tới y học chính xác và cá thể hóa điều trị. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế ảo và phẫu thuật robot sẽ ngày càng trở nên hữu ích. Các kỹ thuật di truyền và tế bào gốc cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá, đặc biệt trong điều trị tổn thương thần kinh nặng như sau đột quỵ, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống.
PGS TS BS. Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội nghị VNC 2024 đánh giá: “Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, giảm thiểu rủi ro trong phẫu thuật mà còn định hình các xu hướng nghiên cứu và ứng dụng mới. Sự kiện này giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngành khoa học thần kinh Việt Nam, đưa ngành phẫu thuật thần kinh tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu cao nhất là điều trị hiệu quả, giúp người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh, giảm gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.”
Khải Hoàng
15/11/2020 09:57:20
05/11/2020 21:52:41
19/11/2020 11:22:30
18/11/2020 11:43:25
22/11/2020 11:34:06
22/11/2020 16:30:08
02/12/2020 09:08:11
03/12/2020 16:15:29
05/12/2020 11:10:20
18/12/2020 09:16:00