Trang chủ » Doanh nghiệp » "Cần điều tra việc Tập đoàn Tuấn Ân trúng hàng loạt gói thầu điện lực"

"Cần điều tra việc Tập đoàn Tuấn Ân trúng hàng loạt gói thầu điện lực"

19/08/2024 21:54:49

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa và luật sư cho rằng việc mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Tuấn Ân trúng thầu hàng loạt dự án điện lực ở nhiều địa phương là rất cần thiết.

Liên tiếp trúng nhiều gói thầu

Thời gian qua, Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) đã đấu tranh hàng loạt vụ án tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, y tế và đang làm rõ các sai phạm liên quan điện, xăng dầu, tài nguyên môi trường... Trong số này có vụ án vi phạm hoạt động đấu thầu xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Tuấn Ân và Công ty điện lực Bình Thuận.

C03 đã khởi tố vụ án hình sự Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan. Nhà chức trách đã khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 17 bị can, trong đó có ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân.

Anh 1.jpeg
Ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuấn Ân bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.

Theo dữ liệu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân thành lập vào cuối năm 2009, trụ sở tại huyện Hòa Đức, tỉnh Long An, gồm 19 đơn vị thành viên: Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội, Công ty TNHH Tuấn Ân miền Bắc, Công ty TNHH Tuấn Ân Ninh Bình, Công ty TNHH Tuấn Ân Nha Trang, Công ty TNHH Tuấn Ân Khánh Hòa, Công ty TNHH Tuấn Ân miền Tây, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Thương mại Tuấn Ân, Công ty Cổ phần Tuấn Ân Đà Nẵng, Công ty TNHH Tuấn Ân Thái Nguyên, Công ty TNHH Tuấn Ân Đồng Nai, Công ty TNHH Tuấn Ân Lào Cai, Công ty TNHH Tuấn Ân Hải Phòng, Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Tuấn Ân.

Ngoài địa bàn Bình Thuận, quá trình tham gia đấu thầu, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Tuấn Ân với vai trò liên danh hoặc độc lập đã liên tiếp trúng nhiều gói thầu điện lực ở Hà Nội, TP.HCM (trực thuộc EVNHCMC) và nhiều tỉnh thành khác như Công ty Điện lực Phú Thọ, Công ty Điện lực Thanh Hóa, Công ty Điện lực Nghệ An, Công ty Điện lực Thái Nguyên, Công ty Điện lực Lạng Sơn…

Anh 1.png

Tuấn Ân là nhà thầu quen mặt của nhiều công ty điện lực ở Hà Nội. Theo thống kê, Tuấn Ân Hà Nội đã tham gia 608 gói thầu, trong đó tỷ lệ trúng thầu hơn 87%, với giá trị lên tới 1.458 tỷ đồng.

 

Giá trúng thầu bình quân của Tuấn Ân Hà Nội tại các dự án ở Hà Nội đạt mức 95,34% so với giá chào thầu, tương ứng tỷ lệ ngân sách tiết kiệm được chỉ khoảng 4,66%. Thậm chí có gói thầu, giá trúng cao hơn giá dự toán.

Đơn cử như gói Mua sắm bổ sung vật tư phục vụ công tác quản lý vận hành quý IV năm 2023 tại Điện lực Mỹ Đức có dự toán giá 237,8 triệu đồng thì Tuấn Ân Hà Nội trúng thầu giá 245,4 triệu đồng.

Đối với những gói thầu có nhiều đơn vị cùng tham gia, Tuấn Ân Hà Nội rất giàu kinh nghiệm khi lựa chọn mức giá trúng thầu vừa "sít sao" thắng đối thủ. Như tại gói mua sắm vật tư thiết bị phục vụ các công trình đầu tư xây dựng năm 2023 (đợt 2)" tại Điện Lực Mỹ Đức có giá thầu 21,2 tỷ đồng, Tuấn Ân Hà Nội cùng Thiết bị điện MBT, Năng Lượng Xanh Tương Lai, Công Nghệ Hải Anh "đấu" với Vật liệu điện Nam Hà Nội. Kết quả, liên danh Tuấn Ân thắng với giá 17,915 tỷ đồng, trong khi Vật liệu điện Nam Hà Nội thua sát sao với giá 17,977 tỷ đồng (chênh lệch 62 triệu đồng).

Hay gói thầu số 15-23.MS-PCCM cung cấp VTTB lắp đặt các dự án Đầu tư xây dựng đợt 2 năm 2023 ở Điện lực Chương Mỹ (giá thầu 13,3 tỷ đồng), liên danh Tuấn Ân Hà Nội đã đấu thắng thầu giá là 12,234 tỷ đồng, còn Cáp điện Trường Thịnh thua với giá 12,596 tỷ đồng.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Thiết bị Điện Tuấn Ân cũng trúng đấu thầu nhiều dự án tại các đơn vị trực thuộc EVNHCMC. Sau diễn biến liên quan đến vụ án ở EVN Bình Thuận và Tuấn Ân, đầu tháng 5/2024, EVNHCMC đã ra cấm Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Tuấn Ân tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu do tổng công ty này và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư trong thời gian 4 năm.

Theo dõi loạt bài trên VietTimes về việc các đơn vị thành viên của Tập đoàn Tuấn Ân trúng hàng loạt gói thầu của ngành điện lực, nhiều độc giả quan tâm đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có mở rộng điều tra vụ án xảy ra ở Bình Thuận như từng thực hiện đối với vụ án Thuận An, cây xanh Công Minh, để xem các công ty điện lực thuộc Điện lực Hà Nội và những địa phương khác có làm đúng quy định về đấu thầu hay không?

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho biết trong thời gian gần đây, nhiều vi phạm của doanh nghiệp liên quan hoạt động đấu thầu bị phanh phui. Đây là vấn đề nhức nhối, có dấu hiệu công ty "sân sau", gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, có thể tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế - xã hội.

Anh 4.jpeg
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.
 

Theo luật sư Bình, trong vụ án giữa EVN Bình Thuận và Công ty Cổ phần tập đoàn Tuấn Ân, để kết luận doanh nghiệp có sai phạm trong hoạt động đấu thầu hay không, cần xem xét quá trình lựa chọn nhà thầu đối với doanh nghiệp đó. Quy trình đấu thầu sẽ bao gồm các khâu: Mời thầu - Dự thầu - Mở thầu - Chấm thầu - Ký kết hợp đồng. Tương ứng với các khâu này là các bước: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu - Tổ chức lựa chọn nhà thầu - Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo đề xuất - Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu - Hoàn thiện, ký kết và thực hiện hợp đồng.

Theo quy định trên, một nhà thầu muốn trúng thầu sẽ phải trải qua rất nhiều khâu, nhiều giai đoạn.

“Việc một doanh nghiệp trúng hàng trăm gói thầu với giá trị lớn như vậy thì có khả năng xảy ra những bất thường liên quan hành vi thông thầu. Cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, làm rõ vụ việc”, luật sư Bình nói.

"Đã làm, phải làm cho tới"

Cùng quan điểm, luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, cho hay đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển nhằm lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật của chủ đầu tư. Với các dự án có tổng đầu tư lớn, có giá trị về mặt kinh tế hoặc tác động xã hội thì đấu thầu là khâu quan trọng, không thể thiếu và phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước.

"Về nguyên tắc, việc xuất hiện doanh nghiệp liên tiếp trúng thầu sát giá tại một chủ đầu tư là một trong những chỉ dấu cho thấy cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc thanh kiểm tra. Nếu phát hiện có vi phạm, có nhóm lợi ích thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định hiện hành của pháp luật”, luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Kiên, thực tế, cơ quan điều tra đã và đang điều tra nhiều vụ án khủng, làm sáng tỏ và xử lý các nhóm lợi ích trục lợi tiền của Nhà nước thông qua các hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Do đó, sẽ không có vùng cấm trong vấn đề xử lý vi phạm pháp luật của bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi những dấu hiệu vi phạm được chỉ ra.

“Đối với vụ việc EVN Bình Thuận và Công ty Cổ phần tập đoàn Tuấn Ân, C03 đã khởi tố vụ án. Còn với việc các đơn vị thành viên của Tập đoàn Tuấn Ân trúng nhiều gói thầu ở các địa phương khác, thông thường cơ quan điều tra sẽ rà soát các gói thầu và mở rộng điều tra khi xác định có dấu hiệu vi phạm của từng gói thầu”, luật sư Kiên cho biết.

Anh 2.jpeg
Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng nêu quan điểm: Nếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ấn tham gia đấu thầu, đấu giá với các công ty điện lực ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, C03 nên mở rộng điều tra để làm rõ xem các công ty điện lực này có làm đúng quy định đấu thầu, có vi phạm gì không.

 

Theo ông Hòa, việc mở rộng điều tra vụ án đến các công ty, tổng công ty điện lực ở các địa phương liên quan đến Tập đoàn Tuấn Ân là rất cần thiết. Qua đó, công an sẽ rà soát xem có đơn vị nào vi phạm. Nếu có sai phạm, những người lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông thầu nhằm trục lợi sẽ bị xử lý thích đáng.

“Đã làm phải làm cho tới, chứ không thể làm điển hình một công ty rồi các công ty khác không làm”, ông Hòa nói và cho biết hiện nay, rất nhiều vụ án được Bộ Công an vào cuộc quyết liệt, chỗ nào có dấu hiệu vi phạm, công an sẽ vào cuộc ngay. Đối với vụ án Tập đoàn Tuấn Ân hay nhiều vụ án khác, C03 sẽ có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan báo cáo vụ việc, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ mở rộng điều tra.

Tuấn Ân "bắt tay" công ty điện lực để nâng giá

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/2/2024, đại diện Bộ Công an nói rằng vụ án xảy ra tại Công ty điện lực Bình Thuận và Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân là điển hình việc chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay nhau nâng giá.

Phần lớn vật tư, thiết bị điện đã bị nâng giá vài chục, vài trăm phần trăm; thậm chí 300%. Điều này là một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện, làm thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng.

Theo Viettimes

https://viettimes.vn/can-dieu-tra-viec-tap-doan-tuan-an-trung-hang-loat-goi-thau-dien-luc-post177361.html

 

300x300_-30-10-2021-15-12-46.png Hình ảnh bò và bé trên khinh khí cầu_-11-04-2023-17-32-22.jpg