Dự án Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Dương tại phường Phú Chánh, TP Tân Uyên dù đã hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, không chỉ gây nhiều bức xúc trong dân mà còn lãng phí tài sản nhà nước. Đây là chia sẻ của một đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương khi nói về vấn đề đầu tư công với phóng viên.
Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Dương dù đã hoàn thành từ lâu nhưng lại chưa đưa vào sử dụng nên đã có dấu hiệu xuống cấp Ảnh: NGUYỄN THẢO
Cứ nhìn là tiếc
Ghi nhận thực tế, ngày 22-4, bên trong Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Dương không bóng người, các cửa khóa chặt. Quan sát bên ngoài tòa nhà dễ dàng nhận thấy dấu hiệu xuống cấp với những vết nứt, vết ố màu xuất hiện dày trên tường.
Anh Sang, một người dân buôn bán gần khu vực bệnh viện này, cho hay năm 2008, khi có chủ trương xây bệnh viện, gia đình anh rất ủng hộ và đồng ý giao hơn 1.000 m2 đất cho dự án. Lúc đó, gia đình anh được nhà nước hỗ trợ tái định cư tại chỗ với 3 nền đất, tương ứng khoảng 420 m2, đồng thời bồi thường tài sản trên đất khoảng 1 tỉ đồng. "Khi giao đất, gia đình tôi kỳ vọng dự án sẽ làm thay đổi khu vực này. Thế nhưng, hơn mười mấy năm trôi qua, nơi đây vẫn không sáng lên được, việc buôn bán thì ế ẩm vì không có người qua lại do bệnh viện hoàn thành đã lâu nhưng không đưa vào sử dụng. Nói thật, cứ nhìn vô bệnh viện là tôi lại thấy bức xúc và tiếc đứt ruột" - anh Sang nói.
Nằm sát Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần là Bệnh viện Chuyên khoa Lao cũng không sáng sủa hơn. Sau ngày cắt băng khánh thành thì bệnh viện này gần như bị bỏ hoang. Để rồi, năm 2021, Bệnh viện Chuyên khoa Lao mới được đưa vào điều trị các bệnh truyền nhiễm. Thế nhưng, với một bệnh viện bề thế, vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng hiện tại nơi đây chỉ có khoảng 30 bệnh nhân đang điều trị bán trú, gây lãng phí lớn.
Ở Đồng Nai, cứ nhắc đến dự án Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai là không ít người bức xúc. Dự án được Chính phủ quyết định thành lập từ năm 2016, nhằm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển khu đô thị công nghệ cao và thu hút các dự án đầu tư vào ngành nông nghiệp. Dự án này do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư và được chia thành 3 dự án thành phần với tổng diện tích gần 210 ha tại xã Cẩm Đường, huyện Cẩm Mỹ; tổng nguồn vốn xây dựng hạ tầng ban đầu khoảng 640 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách và doanh nghiệp.
Thế nhưng, ghi nhận thực tế tại dự án này vào ngày 23-4 cho thấy từ khu hành chính, trung tâm, viện nghiên cứu đến xí nghiệp ươm tạo, chuyển giao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học… đều vắng vẻ, im lìm. Đặc biệt, hàng chục nhà màng diện tích hàng chục hecta bị bỏ hoang mục nát, cỏ mọc um tùm và hệ thống điện, nước tưới hư hỏng nặng, không thể sử dụng.
Xử lý hướng nào?
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tính từ năm 2016 đến tháng 7-2022, dự án Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai đã đầu tư được 3/5 hạng mục công trình kỹ thuật chính với tổng vốn đầu tư khoảng 370,9 tỉ đồng từ ngân sách của tỉnh Đồng Nai nhưng các hạng mục này chưa đủ cơ sở nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng. Theo đó, cả 3 dự án thành phần gồm dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (giai đoạn 1); dự án đập dâng cấp nước mặt suối Cả, hệ thống xử lý nước tại xã Xuân Đường và dự án đầu tư xây dựng trung tâm chiếu xạ tỉnh Đồng Nai đều rơi vào cảnh hoang tàn…
Dù không hiệu quả, gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng ngân sách nhà nước nhưng năm 2021, UBND huyện Cẩm Mỹ và các sở, ngành, đơn vị liên quan lại tiếp tục đề xuất phương án chuyển dự án Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai thành Khu Công nghệ cao Đồng Nai, mở rộng thêm 250 ha. Điều này càng khiến nhiều người lo ngại việc tiếp tục đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào đây nếu không được tính toán kỹ lưỡng thì có thể sẽ lặp lại những bất cập của dự án hiện nay.
Trước thực tế trên, trong chuyến thị sát tại dự án Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu cơ quan chức năng sớm làm rõ trách nhiệm về sai phạm thuộc về ai để có hướng xử lý dứt điểm. "Phải xử lý được sai phạm xong, có hướng chuyển đổi công năng để tránh lãng phí. Thanh tra, điều tra nhanh, rõ ràng, kết luận sớm và chính xác. Đừng bỏ bê thời gian dài gây thất thoát và lãng phí" - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Nói về việc chậm đưa vào hoạt động Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Dương, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh mới bàn giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh viện trên. Sau đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh nghiên cứu triển khai khoa tâm thần vào hoạt động tại cơ sở này. "Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân thấp (dưới 40 người), cộng với nhân lực thiếu nên chưa thể đưa vào hoạt động ngay khi bàn giao. Hơn nữa, thời điểm này, dịch COVID-19 xảy ra, cơ sở này được trưng dụng triển khai bệnh viện điều trị COVID-19 (tầng 3) của tỉnh" - ông Chín lý giải.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện sở này đang trình xin ý kiến của UBND tỉnh liên quan đến công trình trên. "Theo đó, giai đoạn 2023-2025, các cơ sở y tế tại cụm Yersin (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) được dự kiến di dời để xây dựng Công viên Văn hóa Nguyễn Sinh Sắc thì sở sẽ sử dụng cơ sở này làm cơ sở của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh. Giai đoạn 2026-2030, sở sẽ thành lập và đưa vào hoạt động bệnh viện chuyên khoa tâm thần" - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương nói.
Chờ lời hứa được thực hiện
Trong các hộ dân được hỗ trợ tái định cư sau khi bị thu hồi đất để xây dựng Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Dương, có lẽ ông Lê Văn Phân là người bức xúc nhất. "Hồi đó, nơi đây trồng toàn cao su, gia đình tôi thu nhập cũng khá từ loại cây này. Tuy nhiên, khi được nhà nước vận động thu hồi đất để xây bệnh viện thì gia đình cũng không đắn đo mà lập tức đồng ý, vì những hứa hẹn tươi sáng. Nào là sẽ tạo công ăn việc làm khác cho bà con, rồi sau khi bệnh viện đưa vào hoạt động sẽ ưu tiên con em ở đây vào làm việc tại bệnh viện nhưng sau mười mấy năm cũng chỉ là lời hứa" - ông Phân ngao ngán.
Ngoài ra, theo ông Phân, gia đình ông có 1.500 m2 đất phải thu hồi, đổi lại, ông được nhà nước hỗ trợ tái định cư khoảng 700 m2, cộng với tài sản trên đất là căn nhà khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa ra sổ cho những lô đất tái định cư này. "Tôi đã đi "gõ cửa" nhiều nơi để yêu cầu cơ quan chức năng sớm ra sổ cho bà con, ngay cả các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi cũng đã lên tiếng rất nhiều lần nhưng chỉ nhận lại những câu trả lời "ghi nhận" và đến nay tôi và các hộ dân ở đây vẫn phải mòn mỏi chờ đợi" - ông Phân bức xúc.
Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện có khoảng 13 hộ dân rơi vào tình trạng tương tự như ông Phân. Những hộ này đang ngày đêm chờ đợi hướng xử lý dứt điểm từ các cơ quan chức năng.
Liên quan việc này, UBND phường Phú Chánh (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc xin ý kiến tình hình quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong khu tái định cư Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Bệnh viện Chuyên khoa Lao Bình Dương với nội dung: "Hiện nay, các hộ dân có nhu cầu cần thiết để xây dựng nhà ở, nhà cho thuê nhằm ổn định cuộc sống nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện về thủ tục đất đai, xây dựng kinh doanh, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng...".
Ng.Thảo
03/12/2024 22:30:17
14/11/2020 21:02:22
18/11/2020 11:02:36
19/11/2020 11:59:30
21/11/2020 17:25:43
22/11/2020 09:42:56
23/11/2020 09:00:44
25/11/2020 10:13:36
27/11/2020 10:56:59
28/11/2020 20:21:05
03/12/2024 22:30:17