Sau khi mua 200 bao D.A.P Philippinne của Công ty TNHH MTV XNK Phân bón Hà Tây về sử dụng, một nông dân tại Kiên Giang đã phản ánh về chất lượng số phân này.
Nghi vấn phân bón kém chất lượng
Từ một quốc gia phải phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu, trong khoảng 30 năm trở lại đây, ngành phân bón Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, chủ động được nguồn cung và thậm chí xuất khẩu sản phẩm sang hơn 20 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước, tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà máy sản xuất phân bón chỉ chú trọng vào số lượng chứ chưa thật sự quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm.
Mới đây, qua đường dây nóng, Chất lượng Việt Nam - VietQ.vn nhận được thông tin từ ông P.V.Đ (Kiên Giang) phản ánh về chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH MTV XNK Phân bón Hà Tây (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông Đ. cũng đồng thời có đơn gửi VietQ.vn kiến nghị cơ quan báo chí với chức năng, nhiệm vụ của mình sớm nhập cuộc tìm hiểu để làm rõ sự việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo phản ánh của ông Đ., ngày 25/9/2022, ông có mua 200 bao phân D.A.P Philippinne của công ty để về bón lúa. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, ông Đ. nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, khi đã bón 2 lần phân nhưng lúa không phát triển. Kiểm tra lại số phân còn lại, ông Đ. cảm thấy phân có biểu hiện kém chất lượng khi hạt phân to, không bóng và có bụi (trước đây, hạt phân nhỏ, đều và không bụi).
Theo ghi nhận của PV, số phân ông Đ. mua là sản phẩm D.A.P Philippine 18 -46 -0 Philippine được sản xuất ngày 15/9/2022. Số phân này có cùng ngày sản xuất với số phân bị Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang tạm giữ đầu tháng 12/2022. Cụ thể, trước đó, Đội QLTT số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã phối hợp với Tổ liên ngành số 3 tiến hành khám phương tiện xe ô tô tải hiệu JAC do ông N.T.Q. là người điều khiển phương tiện. Phát hiện số lượng lớn phân bón có dấu hiệu vi phạm quy định về nhãn mác, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 200 triệu đồng.
Sản phẩm D.A.P Philippine mà ông P.V.Đ đã mua.
Qua quá trình khám phương tiện, đoàn kiểm tra phát hiện bên trong thùng xe ô tô tải có vận chuyển hàng hóa gồm: Phân bón Hà Tây DAP 18-46 (Mã sản phẩm: 13478), đóng gói tại Công ty TNHH MTV XNK phân bón Hà Tây, địa chỉ: số 204, Phan Văn Mãng, KP.8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, NSX: 15/9/2022; HSD: 24 tháng kể từ ngày sản xuất, loại 50kg/bao, số lượng: 100 bao.
Phân bón Hà Tây NPK 20-20-15 (Mã sản phẩm: 13480), sản phẩm của Công ty TNHH MTV XNK phân bón Hà Tây, địa chỉ: số 204, Phan Văn Mãng, KP.8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, NSX: 15/9/2022; HSD: 24 tháng kể từ ngày sản xuất, loại 50kg/bao, số lượng: 50 bao.
Phân bón Hà Tây NPK 16-16-8 (Mã sản phẩm: 13481), sản phẩm của Công ty TNHH MTV XNK phân bón Hà Tây, địa chỉ: số 204, Phan Văn Mãng, KP.8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, NSX: 15/9/2022; HSD: 24 tháng kể từ ngày sản xuất, loại 50kg/bao, số lượng: 100 bao.
Phân bón Thiên Phát NPK 16-16-8 (Mã sản phẩm: 13481), đơn vị sản xuất: Công ty TNHH MTV XNK phân bón Hà Tây, địa chỉ: số 204, Phan Văn Mãng, KP.8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, NSX: 15/9/2022; HSD: 24 tháng kể từ ngày sản xuất, loại 50kg/bao, số lượng: 50 bao.
Tại thời điểm khám người điều khiển phương tiện là ông N.T.Q. xuất trình được phiếu xuất kho ngày 05/12/2022 của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu phân bón Hà Tây, địa chỉ: 184A tỉnh lộ 816, Ấp 1, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho khách hàng tên Tỷ. Tuy nhiên, tất cả hàng hóa trên người điều khiển phương tiện chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ (bản chính), nghi vấn hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Sau đó, Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ tang vật, giấy tờ và niêm phong tang vật để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
“Ở đây đi, Chi cục xuống đây làm việc”
Để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, PV Chất lượng Việt Nam đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV XNK Phân bón Hà Tây. Tại đây, sau khi xuất trình Thẻ Nhà báo và giấy giới thiệu, mới chỉ trình bày được một vài câu về nội dung làm việc, PV đã bị một người đàn ông xưng là Chính – nhân viên công ty có hành vi quát tháo, dọa nạt.
Ông Chính và một người phụ nữ khác (không xưng tên) hỏi ngược lại PV: “Đ. là Đ. nào, mua của đại lý nào, hàng nào, mình đâu có nắm hết tên tuổi của nông dân đâu mà biết”.
“Lô hàng nào mà Quản lý Thị trường An Giang nào giữ? Rồi sao, có vấn đề gì không, anh hỏi thiệt, có vấn đề gì không?”, ông Chính quát to khi PV đề cập tới việc lô phân bón ông Đ. mua cùng ngày sản xuất với số phân bón bị Cục Quản lý Thị trường An Giang tạm giữ.
Người đàn ông tự nhận tên Chính - nhân viên của Công ty phân bón Hà Tây (ảnh cắt từ clip).
Khi PV đề nghị để mình trình bày nội dung làm việc, ông Chính liên tục cắt lời. “Bất thường thì đi kiểm tra chất lượng, kiểm tra chất lượng chưa mà bất thường… Công ty anh không tiếp xúc những người như vầy, đến đây làm việc kiểu này, cơ quan ban ngành được quyền mời làm việc. Em hiểu không và chất lượng, cơ quan ban ngành được kiểm tra chất lượng”, ông Chính tiếp tục quát.
Khi được PV hỏi mình có phải là người đại diện pháp nhân của công ty không, ông Chính nói rằng: “Anh là công nhân của công ty, anh ở công ty này anh làm việc, anh làm lương cho công ty. Anh không đại diện cho pháp nhân công ty, anh được quyền ở trong công ty này”.
Đáng nói, ban đầu người đàn ông này yêu cầu PV ra khỏi công ty, thế nhưng, sau khi PV định ra về, ông Chính bất ngờ yêu cầu phóng viên phải ngồi tại chỗ để mình mời ban ngành tới làm việc. “Ở đây, Chi cục tới đây đi. Chi cục Quản lý thị trường tới đây luôn… Em đến làm việc với công ty người ta mà em về chi. Thằng Hoàng chở Chi cục trưởng, Chi cục phó lên…”, ông Chính quát.
Khi PV hỏi lại, “vậy bây giờ anh không cho em về đúng không”, người đàn ông này cầm điện thoại và sau đó đi ra ngoài.
Trao đổi với PV, ông Cao Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa nhận được thông tin của các tỉnh khác gửi về Công ty phân bón Hà Tây. Trong quá trình kiểm tra xử lý, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cũng chưa xử lý Công ty Hà Tây lần nào nên không có thông tin cung cấp. “Phân bón Hà Tây không có phát hiện trên địa bàn tỉnh Long An. Trên địa bàn không có sản phẩm phân bón này. Nhiều năm không thấy tiêu thụ, không biết chất lượng sản phẩm này ra sao”, ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, trong quá trình tác nghiệp, nếu PV phát hiện cơ sở nào trên địa bàn có bán sản phẩm phân bón của công ty này, có thể thông tin để đơn vị kiểm tra xử lý, kể cả đem đi phân tích chất lượng xem sản phẩm có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hay không.
Theo số liệu thống kê, hàng năm Việt Nam sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất thấp, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân.
Để tránh tình trạng mua phải phân bón giả, nhiều chuyên gia cho rằng nông dân nên hạn chế mua phân bón trôi nổi, chọn mua phân bón tại cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.
Về quy định pháp luật, Điều 7, Nghị định số 15/2010/NĐ-CP quy định hành vi sản xuất phân bón giả có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng bị xử lý hành chính phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Tại Điều 10 quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Hình phạt bổ sung đối với hai hành vi nêu trên là tịch thu và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả, chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy.
Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 15 quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, gia công phân bón, kinh doanh phân bón giả quy định tại Nghị định này nếu có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Về xử lý hình sự, Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đối với người có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả thì tùy trường hợp, tình tiết có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm và bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón. Ngoài ra, mẫu phân bón được lấy để xác định hàm lượng các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế theo phương pháp lấy mẫu quy định tại TCVN 9486:2018 Phân bón - Phương pháp lấy mẫu và TCVN 12105:2018 Phân bón vi sinh vật - Lấy mẫu.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10676:2015 Phân bón - Xác định hàm lượng thủy ngân tổng số bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử - kỹ thuật hóa hơi lạnh.
Theo Minh Nghĩa - Kim Thoa
28/11/2024 17:14:22
11/11/2020 14:43:30
11/11/2020 14:55:17
23/11/2020 10:19:31
09/12/2020 20:09:36
21/12/2020 21:12:33
26/12/2020 11:40:12
29/12/2020 16:52:34
04/01/2021 16:17:47
04/01/2021 19:50:33