Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại chứa nhiều độc tính và tác dụng phụ nguy hại sức khỏe người tiêu dùng như tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ... Mới đây, một phụ nữ ở Hà Nội bị tổn thương não sau 4 ngày uống cà phê giảm cân chứa chất này.
Đa số những người bận rộn có nhu cầu lấy lại vóc dáng thường tìm đến các loại thực phẩm chức năng, trà thảo dược, cà phê hỗ trợ giảm cân, kẹo ăn kiêng... Trong khi đó, thị trường ngày càng “loạn” sản phẩm giảm cân kém chất lượng, thậm chí chứa các chất cấm như sibutramine. Nếu người dùng sử dụng phải, sẽ gây ra nhiều hệ luỵ sức khỏe.
Theo thông tin từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), sibutramine là hoạt chất có tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm tăng lượng serotonine và noradrenaline trong não, từ đó tạo cảm giác no và không thèm ăn.
Trước đây, sibutramine từng được kê trong đơn thuốc giúp giảm cân. Tuy nhiên sau đó đã được FDA quản lý chặt chẽ và bị rút khỏi thị trường vào tháng 10/2010 vì lý do an toàn.
Hoạt chất này gây nên nguy cơ tăng huyết áp, tăng nhịp tim cho người bình thường, đặc biệt nguy hiểm với những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm cũng có thể tương tác bất lợi có thể đe dọa tính mạng với các loại thuốc khác mà người tiêu dùng có thể đang dùng để trị bệnh.
Chính vì những tác hại khó lường trên, Singapore và các quốc gia châu Âu cũng cấm lưu hành sibutramine từ năm 2010.
Tại Việt Nam, sibutramine cũng từng được chỉ định trong điều trị béo phì gồm giảm cân và duy trì cân nặng. Tuy nhiên, ngày 8/6/2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine.
Năm 2011, Cục Quản lý dược đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất này.
Sự thật đằng sau những lời quảng cáo như "thần dược"
Mặc dù cấm lưu hành sibutramine trên thị trường trong nước hơn chục năm nay nhưng một số sản phẩm vẫn lén sử dụng chất này và được quảng cáo tràn lan với công dụng "giảm cân cấp tốc", "giảm cân mà không cần ăn kiêng"...
Mới đây, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân nữ, 37 tuổi, ở Hà Nội, vào cấp cứu trong tình trạng khó thở, hôn mê và co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân có chứa sibutramine.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3, chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng. Được đồng nghiệp giới thiệu Cafe Hoàng Gia, quảng cáo uống 1 tuần sụt tới 4 kg, chị đã mua hộp 30 gói giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói.
Sang ngày thứ 4, sau 15 phút uống cà phê, chị thấy khó thở, lạnh toát, háo nước, thân nhiệt hạ thấp đột ngột.
Tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chụp cắt lớp phát hiện não của bệnh nhân bị tổn thương. Qua 10 ngày điều trị, sức khỏe của người phụ nữ 37 tuổi đã dần hồi phục nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi để xác định có để lại di chứng từ tổn thương não hay không.
Kết quả giám định của Viện Pháp y cho thấy trong loại cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa sibutramine.
Không có thuốc giảm cân an toàn mà không luyện tập và ăn kiêng
Giảm cân để làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhất là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như "thần dược", tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Phương pháp giảm cân hiệu quả và an toàn là chế độ ăn kiêng khoa học phối hợp tập thể dục hợp lý.
Theo an Phương/Tiêu dùng
15/11/2020 09:57:20
05/11/2020 21:52:41
19/11/2020 11:22:30
18/11/2020 11:43:25
22/11/2020 11:34:06
22/11/2020 16:30:08
02/12/2020 09:08:11
03/12/2020 16:15:29
05/12/2020 11:10:20
18/12/2020 09:16:00