Theo ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An, rạch Bà Lồ là trục thoát nước qua phường Bình Thắng (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và phường Tân Vạn (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư dự án khu dân cư, dịch vụ và du lịch Cù lao Tân Vạn (gọi tắt là dự án KDC Tân Vạn - phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xây bờ kè dọc rạch, TP Dĩ An đã phát hiện có sự méo mó.
Nhờ Bộ Tài nguyên và Môi trường can thiệp
Ông Võ Anh Tuấn khẳng định đây không chỉ lấn dòng chảy mà còn lệch luôn ranh giới, đẩy tim rạch Bà Lồ sang phía Bình Dương. "Quy mô tuyến rạch hiện trạng ngoài thực tế còn lại khoảng 30 m, trong khi "Biên bản hiệp thương địa giới hành chính năm 2017 giữa 2 tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai" ghi rõ rạch rộng khoảng 50 - 70 m" - ông Võ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, việc chủ đầu tư lấn rạch thi công dự án KDC bên phía Đồng Nai đã làm thay đổi dòng chảy về phía Dĩ An gây nên tình trạng sạt lở bờ rạch, gây ngập úng ở phía Bình Dương. "Trên thực tế cách đây vài tháng đã xảy ra tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương bỏ ra hơn 2 tỉ đồng để kè lại. Đó chỉ là giải pháp tạm nên UBND TP Dĩ An đã báo cáo UBND tỉnh Bình Dương làm việc với tỉnh Đồng Nai để xử lý vấn đề này, không còn để xảy ra tình trạng lấn rạch làm thay đổi dòng chảy, nguy cơ gây sạt lở cao" - ông Tuấn thông tin.
Tỉnh Bình Dương khẳng định việc xây kè ở dự án khu dân cư Tân Vạn đã lấn rạch Bà Lồ
Từ báo cáo của TP Dĩ An, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai xem xét. Tuy nhiên, tại công văn tỉnh Đồng Nai gửi tỉnh Bình Dương ngày 24-12-2021 lại khẳng định: "Tuyến địa giới hành chính giữa phường Bình Thắng với phường Tân Vạn liên quan đến dự án KDC Tân Vạn do Công ty CP Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu làm chủ đầu tư, cho thấy bờ kè và tường rào được xây dựng thực tế ngoài thực địa nằm trong ranh giới được giao đất thực hiện dự án và nằm trong phần địa giới hành chính tỉnh Đồng Nai". Ngoài ra, công văn này còn nêu rõ căn cứ để Công ty CP Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch 1/500 được duyệt từ năm 2014 (dự án được hình thành từ trước khi 2 tỉnh ký hiệp thương năm 2017).
Liên quan đến phản hồi này, tại biên bản họp ngày 2-12-2021 giữa các sở, ngành của 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai (có chữ ký đầy đủ của các bên) đã đi đến thống nhất: Giao đơn vị tư vấn Dự án 513 hai tỉnh phối hợp xác định vị trí, tọa độ hiện trạng. Tuy nhiên, công văn ngày 24-12-2021 của tỉnh Đồng Nai nêu lên không có bất kỳ số liệu đo đạc nào về việc xác định vị trí, tọa độ hiện trạng, diện tích thực tế.
Một góc rạch Bà Lồ
Trước diễn biến này, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết việc san lấp mặt bằng đoạn rạch Bà Lồ của dự án KDC Tân Vạn dẫn đến hiện tượng sạt lở bờ bên phía tỉnh Bình Dương. UBND tỉnh Bình Dương mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm giải quyết để bảo đảm khả năng tiêu thoát nước của rạch, cũng như sự an toàn của của các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Nhiều hộ dân than trời
Trong lúc Bình Dương và Đồng Nai đang "tranh cãi" về ranh địa giới hành chính thì nhiều hộ dân ở phường Bình Thắng, TP Dĩ An đã gánh hậu quả và hiện tại phải sống trong nơm nớp lo sợ. Bà Nguyễn Thị Tý (67 tuổi; tổ 9, khu phố Quyết Thắng, phường Bình Thắng) cho biết gia đình bà đã ở đây từ năm 1975. Bà khẳng định trước đây, bờ đối diện cách xa hơn nhiều nhưng từ khi doanh nghiệp xây bờ kè thì thấy gần bờ bên này hẳn. "Những năm trước đó, mỗi khi thủy triều dâng, nhà tôi có ngập nhưng không đáng kể, hơn 1 năm nay, tình trạng ngập rất nặng. Gia đình tôi phải đổ đá bi giữa nhà cao khoảng nửa mét để đi lại cho thuận tiện, bàn ghế và đồ đạc trong nhà cũng phải kê cao, nhiều khi ngủ quên nước ngập lên tới giường" - bà Tý nói. Bà mong muốn sớm có giải pháp căn cơ để tình trạng sụt lún không còn xảy ra.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tý phải đổ đá bi giữa nhà cao khoảng nửa mét để đi lại cho thuận tiện, bàn ghế và đồ đạc trong nhà cũng phải kê cao
Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ông Lê Văn Thành (tổ 1, khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng) nói tất cả do con rạch Bà Lồ bị lấn mà ra. "Dù sự việc sập nhà đã xảy ra hơn 3 tháng nhưng cứ nhớ lại hình ảnh gian bếp của gia đình bị trôi thẳng ra rạch Bà Lồ mà tôi không khỏi ám ảnh" - ông Thành nói. Ông cho hay rất may thời điểm xảy ra sự cố, gia đình ở trên phòng khách. Cũng như bà Tý, ông Thành khẳng định gia đình ông ở bên con rạch Bà Lồ từ năm 1960, trước đây, khu vực này cũng có sạt lở nhưng nhẹ, song hơn 1 năm nay, tình trạng sạt lở, sụt lún diễn ra liên tục. Riêng trận sạt lở cuốn trôi căn bếp nhà ông xuống rạch là trận sạt lở nặng nhất, ăn sâu vào đến 4 m.
Sạt lở gây sụt lún nhà cửa
Cũng theo ông Thành, sau khi một số hộ dân ở tổ 1 bị ảnh hưởng như nhà cửa sụp lún, nứt tường…, UBND TP Dĩ An đã bố trí kinh phí hơn 2 tỉ đồng để xây bờ kè với chiều dài khoảng 100 m. "Từ ngày có bờ kè, chúng tôi cũng chỉ yên tâm được đôi chút, bởi đó cũng chỉ là giải pháp tạm. Hy vọng các bên sớm đưa ra giải pháp căn cơ hơn. Có như vậy, người dân chúng tôi mới an tâm sinh sống trong ngôi nhà của mình mỗi khi thủy triều lên hay mưa lớn" - ông Thành mong ngóng.
03/12/2024 22:30:17
14/11/2020 21:02:22
18/11/2020 11:02:36
19/11/2020 11:59:30
21/11/2020 17:25:43
22/11/2020 09:42:56
23/11/2020 09:00:44
25/11/2020 10:13:36
27/11/2020 10:56:59
28/11/2020 20:21:05
03/12/2024 22:30:17