Một chuyên gia y khoa người Anh chỉ ra những người nhiễm biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể thể gặp chứng sợ ánh sáng.
Trong chương trình This Morning của ITV (Anh) phát sóng cách đây không lâu, tiến sĩ, bác sĩ Chris Steele, lên tiếng cảnh báo về hiện tượng lạ ở nhiều bệnh nhân nhiễm biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Theo Express, ông Chris nhấn mạnh về tình trạng bệnh nhân sợ ánh sáng, không thích những nguồn sáng mạnh, rực rỡ. Mỗi khi tiếp xúc ánh sáng mạnh, nhiều người gặp tình trạng đau đầu, còn gọi là “không dung nạp ánh sáng”.
Ông Chris là cố vấn kỳ cựu của chương trình This Morning kể từ thời điểm phát sóng lần đầu tiên vào năm 1988. Lý giải về điều này trên sóng ITV, tiến sĩ Chris cho rằng SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm khắp cơ thể. Nó còn tác động đến mắt, khiến người bệnh nhạy cảm hơn.
Nhiều người sợ ánh sáng mạnh
Trước đó, tháng 8/2020, nhóm chuyên gia của Đại học Anglia Ruskin, Anh, công bố trên tạp chí BMJ Open Ophthalmology về những ảnh hưởng của Covid-19 tới mắt. Các chuyên gia thực hiện khảo sát trên những người dương tính với SARS-CoV-2 về triệu chứng mà họ gặp phải và diễn biến của sức khỏe sau khi nhiễm bệnh.
Kết quả, dấu hiệu đau mắt khá phổ biến ở người tham gia khảo sát, thậm chí nhiều hơn các triệu chứng ho (16%). Đặc biệt, 18% trong số đó báo cáo về tình trạng sợ hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
Ngoài ra, các triệu chứng phổ biến khác cũng được báo cáo là mệt mỏi (90%), sốt (76%), ho khan (66%).
Giáo sư Shahina Pardhan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị lực và Mắt, Đại học Anglia Ruskin, tác giả chính của khảo sát trên, cho biết: "Đây là nghiên cứu đầu tiên điều tra các triệu chứng mắt, viêm kết mạc liên quan Covid-19. Đồng thời, chúng tôi phân tích mối quan hệ về thời gian khởi phát của những triệu chứng này so với các dấu hiệu thông thường khác”, Eurek Alert dẫn lời.
"Nghiên cứu này rất quan trọng vì nó giúp chúng tôi hiểu thêm về cách SARS-CoV-2 lây nhiễm vào kết mạc và lây lan virus trong cơ thể”, Giáo sư Pardhan nhấn mạnh thêm.
Ông Pardhan cũng cho rằng triệu chứng ở mắt nên được đưa vào danh sách nhận biết người mắc Covid-19. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng chúng ta cần có sự phân biệt rõ đau mắt khi nhiễm SARS-CoV-2 với do vi khuẩn. Đặc trưng của bệnh về mắt khi nhiễm vi khuẩn là tiết dịch nhầy hoặc mắt có nhiều sạn, gỉ.
Nhiễm trùng mắt nặng hiếm gặp
Giữa tháng 12/2020, Medical Express cũng từng báo cáo về tình trạng bệnh nhân Covid-19 gặp biến chứng nặng ở mắt.
Trong 2 tháng, khoa Nhãn của Trung tâm Y tế Northwell Health, New York, Mỹ, đã ghi nhận 3 người nhiễm SARS-CoV-2 bị viêm giác mạc, sau đó, bệnh diễn biến nặng, đe dọa thị giác. Họ gặp phải tình trạng hiếm gặp là nhiễm trùng chất lỏng bên trong nhãn cầu, còn gọi là viêm nội nhãn. Tất cả bệnh nhân đều ở độ tuổi 60.
Giáo sư, tiến sĩ nhãn khoa Amilia Schrier, trường Y Zucker, Đại học Hofstra ở Hempstead, New York, đánh giá tình trạng này rất hiếm xảy ra.
Tuy nhiên, bà Schrier cũng cảnh báo không loại trừ khả năng những người trên mắc bệnh lý nào đó khác và gặp phải tình trạng trên. Bà cho rằng không thể khẳng định chắc chắn SARS-CoV-2 là thủ phạm gây bệnh viêm nội nhãn này. Dù vậy, chúng ta cũng không loại trừ khả năng đó.
Trong số ba bệnh nhân, một người đã tử vong do Covid-19. Một trường hợp khác bị mù lòa một bên mắt dù các bác sĩ đã tìm mọi cách để cứu chữa. Người còn lại bị mất hoàn toàn 1/3 thị lực.
Bà Schrier cho hay viêm nội nhãn rất hiếm gặp, có thể do virus gây ra. Các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm đau, đỏ, chảy dịch từ mắt, sưng mí mắt và giảm thị lực. Bà cũng đã từng xem xét hai bệnh nhân mắc Covid-19 khác bị viêm nội nhãn ở Boston và Australia.
Dù vậy, bà Schrier nhận định: "Viêm giác mạc phát triển thành viêm nội nhãn là điều rất không bình thường. Một nghiên cứu vào năm 2012 chỉ ra 10.000 người bị mắc bệnh về mắt trong 15 năm mới có 27 trường hợp bị viêm nội nhãn do viêm giác mạc". Vị chuyên gia này cũng tiết lộ nhiều bệnh nhân Covid-19 gặp phải tình trạng viêm kết mạc ở mắt, dạng nhẹ hơn, gây đỏ mắt, nhiễm trùng nhẹ.
Những nghiên cứu trên bổ sung thêm thông tin về mối liên quan giữa Covid-19 và các tình trạng sức khỏe bất thường. Tuy nhiên, số trường hợp báo cáo thường rất nhỏ nên giới nghiên cứu phải điều tra thêm trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Theo Thiên Nhan/Zing
15/11/2020 09:57:20
05/11/2020 21:52:41
19/11/2020 11:22:30
18/11/2020 11:43:25
22/11/2020 11:34:06
22/11/2020 16:30:08
02/12/2020 09:08:11
03/12/2020 16:15:29
05/12/2020 11:10:20
18/12/2020 09:16:00