Cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km theo hướng quốc lộ 14, băng qua những con đường uốn lượn quanh co, theo sườn núi ghé ngang thủy điện Buôn Kuôp đến chân thác Dray Nur. Quan cảnh bạt ngàn bao la trên đường đến chinh phục Dray Nur, một bên là núi, bên là thảm rừng xanh mướt vô cùng "lạ mắt" khiến ai cũng muốn một lần đến chiêm ngưỡng.
Đây là một trong những ngọn thác "có đôi, có cặp" hiếm có ở Việt Nam. Đi cùng với nó là những thiên tình sử của núi rừng đã được truyền đi truyền lại từ hàng ngàn đời nay.
Dray Nur là niềm tự hào của người Tây Nguyên. Ai đi xa thì nhớ, về gần thì thương. Tiếng thác đổ đêm ngày như sức mạnh của đại ngàn dội về, đầy kiêu hùng và dữ dội.
Thác Dray Nur nghiêng mình đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu dưới ống kính của các nhiếp ảnh gia.
Từ độ cao hơn 30m, thác Dray Nur nghiêng mình đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu.
Khác với những ngọn thác khác ở cao nguyên này, thác Dray Nur gắn với hai truyền thuyết khác nhau, với hai cách giải thích tên cũng hoàn toàn khác nhau. Với giải thích Dray Nur - nghĩa là thác cái, thác vợ - thác gắn liền với mối tình "Romeo và Juliet" của núi rừng.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bản khác nhau yêu nhau tha thiết nhưng do hai bản có xung đột với nhau nên tìm đủ mọi cách ngăn cấm. Không nhận được sự cảm thông của dân làng, không thể hòa giải xung đột giữa hai bản, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến quyết định sai lầm của đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của 2 dòng tộc.
Dòng thác bạc nước tung trắng xóa như nước mắt của sự chia xa...
Truyền thuyết khác lại bắt nguồn từ hang động phía sau thác, nơi được cho là nơi ở của vua Thủy Tề. Vị vua của nước có một đứa con trai tên là Nur, chàng hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú và rất thích chu du ngắm cảnh. Một ngày nọ, chàng gặp 2 nàng công chúa, con của vị vua vùng đất mình ngang qua. Hai nàng rất xinh đẹp nhưng do vua cha mất sớm nên cuộc sống trở nên nghèo khó, phải đào củ mài mà ăn. Thương hai nàng vất vả, chàng theo nàng về nhà, làm phép để thạp gạo trong nhà đầy tràn, và sống hạnh phúc cùng nàng. Một thời gian sau, chàng nhớ vua cha, muốn về thủy cung thăm người. Nhưng vợ chàng lo sợ nếu chồng đi thì sẽ rất lâu, thậm chí không trở về nên tìm đủ mọi cách giữ chàng, một bước không rời. Không còn cách nào khác, chàng đành hóa thân thành con dũi vàng, vượt màn nước vào động thăm cha. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy Nur trở lại.
Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác này là Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng. Hai truyền thuyết khác nhau nhưng những dòng nước lao từ vách đá thẳng đứng, vỡ ra từng giọt, tung tóe vào nhau, xô đẩy nhau của thác lại giống nhau ở một điểm, đó là tựa như những giọt nước mắt khóc kẻ ở người đi.
Khoảng khắc ráng chiều đổ vàng trên thác Dray Nur...
Thác Dray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long - Đray Nur - Dray Sáp của hệ thống sông Serepôk, được kết hợp giữa con sông đực Krông Nô và con sông cái Krông Ana.
Xung quanh thác Dray Nur là những con suối nhỏ chảy róc rách uốn lượn qua những mỏm đá lô nhô. Thấp thoáng là những bông hoa lục bình tím rung rinh đưa mình theo gió. Du khách có thể thăm thú cảnh vật xung quanh thác rồi ghé nghỉ ăn trưa ngay tại các mỏm đá lớn bên cạnh thác hoặc ghé qua nghỉ chân tại các lán/chòi được dựng rải rác dọc đường đi.
Nhìn màn nước mạnh mẽ, ào ạt đổ từ trên cao xuống, đầy phóng khoáng như tâm hồn của chính con người Tây Nguyên.
Đến với thác Dray Nur, cảm giác đầu tiên sẽ là một ngọn thác hùng vĩ, bọt tung trắng xóa, hơi nước ngập tràn khiến quang cảnh xung quanh thác nên thơ. Thác có chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m, trải rộng khoảng 150m nối liền địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Hang động rộng lớn, bí ẩn ở bên trong thác Dray Nur .
Nhưng hấp dẫn nhất không phải là việc chiêm ngưỡng thác mà là khám phá, tìm kiếm cảm giác mạnh trong hang động gần 3.000m2 phía sau thác. Nhìn màn nước mạnh mẽ, ào ạt đổ từ trên cao xuống, không ít người rùng mình.
Hang động phía sau thác .
Ngoài ra, thác còn đặc biệt bởi vì phía sau làn nước đổ xuống có một hang động lớn. Vì thế người ta có thể đi vào phía trong của dòng nước đổ xuống từ bên này sang bên kia mà không bị ướt áo. Khi đứng từ bên trong hang động nhìn ra những tường nước dài bao bọc phía trước, ánh sáng mờ ảo soi những tảng đá hình thù kỳ dị. Đây là một trong những cảm giác khác biệt mà chỉ có Dray Nur mới có thể đem lại cho du khách trong những ngày khám phá đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, đã đi một lần là nhớ, đã gặp một lần là thương.
Theo Kinh tế và môi trường
01/01/2021 18:01:02
27/02/2021 16:17:21
15/10/2021 13:32:27
22/10/2021 12:19:49
25/10/2021 14:27:58
21/11/2021 16:55:26
05/12/2021 17:38:16
13/01/2022 18:16:35
16/08/2022 13:00:18
05/09/2022 11:25:12