Đội tuyển Việt Nam sắp bước vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. (Ảnh: Ngọc Linh/Lao động) |
Có thể rơi vào bảng "tử thần"
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã công bố bảng xếp hạng riêng cho 12 đội có mặt tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á và chia 12 đội thành 2 bảng với 6 nhóm hạt giống (hạt giống được dựa trên bảng xếp hạng của FIFA).
Cụ thể: Nhóm 1 gồm Nhật Bản, Iran; nhóm 2: Australia, Hàn Quốc; nhóm 3: Saudi Arabia và UAE; nhóm 4: Iraq, Trung Quốc; nhóm 5: Oman, Syria; nhóm 6: Việt Nam và Lebanon.
Mã số của mỗi đội tuyển trong bảng đấu được bốc thăm sẽ tương ứng với nhóm hạt giống của mình.
Nhật Bản/Iran sẽ ở vị trí A1 hoặc B1; Australia/Hàn Quốc ở vị trí A2 hoặc B2; Saudi Arabia/UAE ở vị trí A3 hoặc B3; Iraq/Trung Quốc ở vị trí A4 hoặc B4; Oman/Syria ở vị trí A5 hoặc B5; Việt Nam/Lebanon sẽ là A6 hoặc B6.
Như vậy, chắc chắn tuyển Việt Nam không rơi vào bảng có đội Lebanon nhưng rất có thể sẽ bị rơi vào bảng "tử thần" có đủ các đội Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Oman.
Lịch thi đấu của mỗi bảng sẽ được tự động quyết định dựa trên nhóm tương ứng của mỗi đội. Dự kiến, vòng loại cuối cùng World Cup 2022 sẽ có 10 lượt trận, trong đó 6 lượt trong năm 2021 gồm các ngày 2/9, 7/9, 7/10, 12/10, 11/11 và 16/11. 4 lượt trận thi đấu năm 2022 gồm: ngày 27/1, 1/2, 24/3 và ngày 29/3.
Thể thức thi đấu vẫn là lượt đi, lượt về. Sau khi xác định được 2 đội đứng đầu mỗi bảng vào vòng chung kết World Cup 2022, hai đội đứng thứ 3 mỗi bảng sẽ đấu play-off dự kiến vào tháng 5/2022 và đội thắng sẽ đá tiếp play-off liên lục địa (1 trận) dự kiến vào tháng 6 để chọn đội vào World Cup 2022.
Mục tiêu của tuyển Việt Nam
Hiện tại, câu hỏi được đặt ra: Mục tiêu cụ thể của thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo là gì tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á?
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn, sau khi có kết quả bốc thăm, VFF cùng với ban huấn luyện đội tuyển sẽ lên kế hoạch chi tiết để kết hợp các giải đấu trong nước và các chuyến tập huấn, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các trận đấu, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho các cầu thủ chuẩn bị về mặt chuyên môn.
Ông Trần Quốc Tuấn nhận định: "Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn hơn, bởi các đội tham dự vòng đấu này đều đến từ các quốc gia có nền bóng đá mạnh tại châu lục và thế giới. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục có sự chuẩn bị nghiêm túc. Thông qua cơ hội này, chất lượng đội tuyển cũng như từng cá nhân sẽ được nâng cao, đáp ứng trình độ quốc tế".
Đội tuyển Việt Nam thời điểm này chưa thể đưa ra bất cứ định lượng cụ thể nào và cần biết đối thủ của mình là ai để đưa ra được những mục tiêu cụ thể cho từng đối thủ.
Đây là điều đã được rút kinh nghiệm từ trước khi vòng loại thứ hai được khởi tranh. Khi đó, đội tuyển Việt Nam nằm chung bảng với UAE và 3 đại diện Đông Nam Á khác là: Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đây được đánh giá là bảng đấu "tử thần" vì ngoài UAE có trình độ cao hơn, 4 đội Đông Nam Á đều có cơ hội như nhau. Do đó ngay từ đầu, VFF xác định vị trí nhì bảng rất khó đi tiếp vì các đội sẽ ghìm điểm số của nhau. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã có những chiến thắng then chốt để tự quyết định cuộc chơi.
Ông Trần Quốc Tuấn đưa ra quan điểm: "Với đối với UAE, dù chúng ta có sự chênh lệch trình độ so với đối thủ, thế nhưng xét tổng thể kết quả của cả hai trận lượt đi và về đã cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam.
Thực tế, nếu xét tổng tỉ số 2 lượt trận là 3-3, trong đó Việt Nam có lợi thế bàn thắng sân khách, nếu là trận đấu loại trực tiếp, chúng ta sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tính mang tính tương đối, bởi nếu là loại trực tiếp, đối thủ sẽ thi đấu khác".
Như vậy, có thể thấy rằng, ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam luôn đưa ra mục tiêu từng trận để có thể tính toán vé đi tiếp một cách thực dụng nhất. Về tổng thể, trình độ của tuyển Việt Nam thua nhiều đối thủ. Nhưng trong từng trận đấu cụ thể, nếu có chiến thuật hợp lý và may mắn, thầy trò HLV Park vẫn có thể giành chiến thắng.
Theo Báo quốc tế