Cục Thuế TP. HCM cho biết cơ quan này đã áp dụng thêm biện pháp phong tỏa hóa đơn đối với Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức để truy thu hơn 451 tỷ đồng mà công ty này đã trục lợi và phạt chậm nộp, thời hạn áp dụng tới 30/3/2022. Theo đó, cơ quan thuế đã thu hồi được hơn 200 triệu đồng trong tổng số hơn 400 tỷ đồng phải thu.
“Việc phải mở rộng biện pháp cưỡng chế hóa đơn với Thuduc House do công ty này nợ thuế quá 90 ngày, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế”, Cục Thuế TP. HCM thông tin.
Như VietnamFinance đã đưa tin trước đó, ngày 1/3, Cục thuế TP. HCM đã ra 22 quyết định cưỡng chế thuế Thuduc House với số thuế và tiền chậm nộp lên 440 tỷ đồng, trong đó 365 tỷ đồng là tiền thuế và 75 tỷ đồng là tiền chậm nộp đến các ngân hàng.
Công ty không đồng ý với các quyết định trên và khởi kiện Cục Thuế TP. HCM ra tòa án nhân dân TP. HCM. Phía tòa án sau đó ra các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ các quyết định của Cục Thuế TP. HCM.
Được vài ngày, tòa án quyết định hủy các quyết định này. Cùng trong cuối tháng 2, Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM cũng đã có công văn gửi chánh án tòa án nhân dân TP. HCM yêu cầu gửi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và chuyển hồ sơ vụ án hành chính.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, từ năm 2017–2019, Thuduc House mở 501 tờ khai xuất khẩu trị giá tính thuế là 5.286 tỷ đồng, các mặt hàng xuất khẩu là linh kiện điện tử xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Malaysia, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông.
Thuduc House mua hàng từ Công ty Cổ phần Thuduc House Wood Tradings (là công ty con của Thuduc House thành lập tháng 11/2012) để xuất khẩu. Công ty Cổ phần Thuduc House Wood Tradings mua lại hàng của Công ty TNHH An Lành Phát và công ty này mua hàng của 4 công ty trong nước.
Hàng mua từ các đối tác trong nước được công ty xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài, không qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu, Thuduc House làm thủ tục hoàn thuế GTGT tổng cộng 17 lần với số thuế hơn 260,97 tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 2/2018 - 8/2019.
Tương tự, Công ty Cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam cũng xuất khẩu linh kiện điện tử mua từ 4 công ty trong nước mà không qua khâu sản xuất để xuất khẩu trong giai đoạn từ 26/3/2018 - 29/5/2020 với 141 tờ khai hải quan xuất khẩu trị giá 1.645 tỷ đồng. Số thuế xin hoàn tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh là 75,58 tỷ đồng.
Qua xác minh, phần lớn các doanh nghiệp bán hàng cho 2 công ty này đều không có địa chỉ đăng ký, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở, thông tin về doanh nghiệp. Tại nước ngoài, cơ quan hải quan Hồng Kông và Campuchia xác nhận hàng không được nhập khẩu vào nước sở tại hay các công ty đối tác không đăng ký với cơ quan thuế.
Từ giữa tháng 12/2020, cơ quan công an đã bắt giữ 20 đối tượng, khám xét, thu giữ vật chứng, đặc biệt đã thu giữ khoảng 200 con dấu của các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có một số con dấu nghi làm giả.
Theo Bảo Minh/Vietnam Finance