Lợi nhuận đi xuống, Eximbank tiếp tục đối diện với việc thanh tra trong hoạt động kinh doanh vàng

29/07/2024 20:55:27

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Đáng chú ý, trong nhóm những đơn vị tổ chức bị thanh tra có Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank; Mã: EIB). Ngân hàng này cũng vừa mới thay Chủ tịch HĐQT.

 

Theo đó, ông Lê Quang Huy, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Trưởng đoàn Thanh tra đã công bố Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. 

Trong nhóm đơn vị, tổ chức bị thanh tra có Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank). Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo quy định của Luật thanh tra và các qui định có liên quan. Tập trung vào thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. 

Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cũng cho biết, trong quá trình thanh tra, có thể bổ sung thêm đối tượng thanh tra và nội dung thanh tra nếu cần thiết.

Phó Thống đốc yêu cầu Đoàn Thanh tra và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là đối tượng thanh tra thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Đoàn thanh tra tập trung làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) và kiến nghị, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển ngay sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết thêm, thời gian tới NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động này.

NHNN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp, tăng cung vàng miếng SJC, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng quốc tế với những cách tiếp cận mới để đạt được kết quả một cách bền vững.

Đồng thời, NHNN sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vàng hóa nền kinh tế; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Thay nhiều chủ tịch, EIB làm ăn ra sao?

Kết thúc năm 2023, EIB có thu nhập lãi thuần đạt 4.597 tỷ đồng (giảm 17,8%) so với năm 2022. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đem về 485 tỷ đồng (giảm 19,8%) so với năm trước. Hoạt động dịch vụ đem về 514 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. 

Trong năm 2023, EIB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 694 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với năm trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế giảm 26,5% so với năm 2022, xuống mức 2.165 tỷ đồng.

Thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của EIB ở mức 201.416 tỷ đồng, tăng 8,84% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng là 156.329 tỷ đồng, tăng 5,19%; Cho vay khách hàng là 140.448 tỷ đồng, tăng 7,62%. Vốn chủ sở hữu của nhà băng này là 22.444 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Điểm đáng chú ý, tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 31/12/2023 đã tăng 58% so với đầu năm lên mức 3.726 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng theo đó tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,65% vào thời điểm cuối năm 2023.

Trong cơ cấu, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) ở mức 446 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm; nợ nghi ngờ (nhóm 4) thậm chí còn tăng đột biến 213% so với đầu năm lên 1.412 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) ở mức 1.868 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, chiếm một nửa tổng số dư nợ xấu tại ngày cuối năm.

Bên cạnh đó, nợ cần chú ý (nhóm 2) của EIB cũng tăng 37% lên 1.839 tỷ đồng. Dù chưa được xếp vào nhóm nợ xấu, nhưng với việc nợ nhóm 2 gia tăng đáng kể cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu rất cao.

Còn tại quý 1/2024, EIB ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,358 tỷ đồng. Tuy nhiên, EIB lại ghi nhận lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối sụt giảm đến 58%; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 24 tỷ đồng; lãi từ các hoạt động khác giảm 46%; lãi dịch vụ giảm 24%.

Kết thúc quý 1/2024, EIB ghi nhận lợi nhuần thuần giảm 2%, còn gần 943 tỷ đồng. Thế nhưng, chi phí dự phòng rủi ro của EIB ở quý 1/2024 lại tăng lên 282 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ). Vì vậy, EIB ghi nhận được lãi trước thuế là hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

 

Ngoài vấn đề kinh doanh, EIB còn được biết là ngân hàng thay nhiều Chủ tịch HĐQT nhất. Ghế Chủ tịch của EIB đã có 8 lần đổi chủ: Từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, qua bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh, đến ông Yasuhiro Saitoh, sang ông Nguyễn Quang Thông, quay trở lại Yasuhiro Saitoh. Sau đó, là bà Lương Thị Cẩm Tú, nối tiếp là bà Đỗ Hà Phương.

 

Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 được tổ chức mới đây, EIB cũng đã tiến hành miễn nhiệm đối với bà Đỗ Hà Phương. Sau đó, EIB thực hiện bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Trước đó, ông Nguyễn Cảnh Anh giữ chức Thành viên HĐQT EIB. Điểm đặc biệt, ban lãnh đạo mới của EIB là có sự tham gia của ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital với vai trò là Thành viên HĐQT của ngân hàng.

 

Châu An Bình