Xin điều chỉnh dự án đầu tư Trang trại bò Kobe Việt Nam
Ngày 25/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng (Sở NN&PTNT) đã ban hành văn bản 1198/SNN-CNTYTS về việc ý kiến đối với hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư trang trại bò Kobe Việt Nam tại thôn 9, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng do Công ty Cổ phần Bò Kobe VN (Công ty Bò Kobe VN) làm chủ đầu tư.
Theo Sở NN&PTNT, dự án Trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam của Công ty Bò Kobe VN được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu số 3205451536 ngày 24/11/2009. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng (Sở KH&ĐT) cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần thứ 6 ngày 6/9/2019.
Quy mô của dự án có tổng diện tích khoảng 10ha, trong đó đồng cỏ 7,8ha, chuồng trại 0,5ha và các công trình phụ trợ khác. Mục tiêu của dự án này là hình thành một khu chăn nuôi tập trung có giá trị kinh tế cao, bò được nhập từ Nhật Bản với dây chuyền khép kín: chăn nuôi bò thịt; giết mổ tập trung tại chỗ cung cấp 1 lượng thịt bò tươi cho thị trường; chế biến và cung cấp các sản phẩm từ sữa tươi.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Bò Kobe VN đã tiến hành thực hiện đầu tư các hạng mục theo tiến độ của dự án. Trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam đi vào hoạt động sản xuất chăn nuôi từ năm 2011 và có sản phẩm thịt bò Wagyu đưa ra thị trường vào năm 2015. Quy mô đàn bò của trang trại vào thời điểm năm 2015 đạt khoảng 350 con bò.
Trang trại bò Kobe Việt Nam tại thôn 9, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng vi phạm về môi trường, nhưng 4 năm qua không chịu khắc phục
Bò Wagyu được chăn nuôi theo một quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt từ con giống, thức ăn, nước uống và phòng chống dịch bệnh. Trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam đã được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh theo Quyết định số 832/QĐ-TY-DT ngày 22/9/2015 của Cục Thú y. Mặt khác, qua theo dõi thì giống bò lai Wagyu đã thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương.
Cũng theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm tháng 5/2023, trang trại chăn nuôi bò Kobe Việt Nam có 152 con bò và bê, bao gồm: 58 con bò thịt, 32 con bò sinh sản, 47 con bò cái hậu bị và 15 con bê. Trong quý I/2023, trang trại này đã thực hiện giết mổ để đưa trên 500kg thịt ra thị trường. Đồng thời, số lượng người lao động trực tiếp chăn nuôi, giết mổ tại trang trại là 13 người.
Trước đó, ngày 23/5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng (Sở TN&MT) cũng đã có văn bản để góp ý kiến về việc điều chỉnh dự án đầu tư trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam của Công ty Bò Kobe VN. Đáng chú ý, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết, Công ty Bò Kobe VN hiện vẫn chưa có báo cáo khắc phục những sai phạm về môi trường, tài nguyên nước từ năm 2019.
Đồng thời, Sở TN&MT nhấn mạnh, hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), nên trường hợp được chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư, đề nghị chủ đầu tư liên hệ với Sở TN&MT để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Gần 4 năm, Sở TN&MT "bất lực" nhìn doanh nghiệp vi phạm bảo vệ môi trường
Theo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình hoạt động, Trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam đã có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng về môi trường, tài nguyên nước từ năm 2019, song đến nay các sai phạm này vẫn chưa được khắc phục.
Cụ thể, ngày 10/5/2019, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 247/QĐ-STNMT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên nước đối với dự án Mở rộng trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam của Công ty bò Kobe VN.
Sau quá trình kiểm tra, ngày 10/6/2019, Sở TN&MT đã có Kết luận số 07/KL-STNMT về vấn đề bảo vệ môi trường tại trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam.
Tại Kết luận này, Sở TN&MT cho biết, Công ty Bò Kobe VN đã thực hiện một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với dự án Mở rộng trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam tại thôn 9, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình điều hành hoạt động của trang trại.
Trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam (tại thôn 9, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) vi phạm về bảo vệ môi trường trong nhiều năm, nhưng của Công ty Bò Kobe VN vẫn không khắc phục
Cụ thể, Sở TN&MT đã chỉ ra 5 sai phạm như sau:
Thứ nhất, Công ty Bò Kobe VN đã có hành vi thực hiện thay đổi quy trình công nghệ xử lý nước thải và chất thải chăn nuôi theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt nhưng chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Thứ hai, Công ty Bò Kobe VN có xây dựng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án tuy nhiên Công ty chưa lập hổ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận hoản thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.
Thứ ba, Công ty Bò Kobe VN có thực hiện việc tách riêng đối với nước mưa và nước thải tuy nhiên tại vị trí từ khu vực chuồng bò thịt về hổ sinh thái có 01 hố gas bị sạt lở trong quá trình sử dụng chưa được khắc phục.
Thứ tư, Công ty Bò Kobe VN có bố trí kho lưu giữ và thực hiện công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định, tuy nhiên qua kết quả kiểm tra cho thấy vị trí kho lưu giữ tạm thời và thùng chứa chất thải nguy hại được bố trí chưa phù hợp với quy định.
Thứ năm, Công ty Bò Kobe VN chưa hoàn thành các hồ sơ có liên quan đối với việc thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Từ những sai phạm kể trên, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Bò Kobe VN rà soát toàn bộ nội dung dự án so với nội dung báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt để lập hồ sơ đề nghị thay đổi những nội dung so với báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi UBND tỉnh Lâm Đồng thông qua Sở TN&MT để được giải quyết.
Khẩn trương hoàn thành hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức. Khẩn trương hoàn thành hồ sơ thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt gửi về Sở TN&MT để được kiểm tra, xác nhận.
Cùng với đó, Công ty Bò Kobe VN cũng phải sửa chữa, khắc phục hố gas bị sạt lở trên tuyến thu gom nước thải từ khu vực chuồng bò thịt về hồ sinh thái. Xem xét, bố trí kho lưu giữ chất thải nguy hại và bố trí các thùng chứa chất thải nguy hại phù hợp với quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại.
Trong đó, Sở TN&MT nhấn mạnh, Công ty Bò Kobe VN phải thực hiện một số nội dung khắc phục và báo cáo kết quả khắc phục về Sở TN&MT trước ngày 30/9/2019.
Bất chấp những chỉ đạo từ phía Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, Công ty Bò Kobe VN vẫn không thực hiện việc báo cáo kết quả khắc phục. Đến ngày 31/8/2021, Sở TN&MT lại tiếp tục ra văn bản số 2705/STNMT-MT để yêu cầu Công ty Bò Kobe VN khẩn trương báo cáo kết quả khắc phục theo kết luận kiểm tra trước ngày 10/9/2021.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm với 2 lần nhắc nhở, đến nay, Sở TN&MT vẫn chưa hề nhận được báo cáo về việc khắc phục các sai phạm này tại trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam của Công ty Bò Kobe VN.
Như vậy, nếu không có sự việc Công ty Bò Kobe VN xin điều chỉnh dự án đầu tư trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam, thì các sai phạm về bảo vệ môi trường vẫn sẽ “ngủ yên”?
Chưa kể, trong trường hợp hồ sơ xin điều chỉnh dự án đầu tư trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam của Công ty Bò Kobe VN được chấp thuận, thì những sai phạm về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với dự án Mở rộng trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam tại thôn 9, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng sẽ được xử lý như thế nào là điều dư luận quan tâm?
Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc
Công ty Bò Kobe VN (thôn 9, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 24/11/2009, vốn điều lệ 21,6 tỷ đồng. Mới đây, dự án trang trại nuôi bò Kobe Việt Nam của Công ty Bò Kobe VN được phê duyệt với diện tích đất sử dụng khoảng 10ha, tổng vốn đầu tư được 94 tỷ đồng do 12 nhà đầu tư là doanh nghiệp và cá nhân thực hiện góp vốn. Hiện, ông Trần Mến đang là người đại diện theo pháp luật của Công ty Bò Kobe VN. |
31/01/2021 11:09:37
31/01/2021 10:54:06
09/11/2020 19:55:31
09/11/2020 19:57:19
09/11/2020 19:58:09
09/11/2020 19:58:52
09/11/2020 20:01:02
17/11/2020 16:37:34
19/11/2020 10:33:06
21/11/2020 16:00:03