Hai bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Vĩnh Long có dấu hiệu cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề

28/10/2023 11:28:39

Hai bác sĩ là lãnh đạo tại Bệnh viên đa khoa Xuyên Á - Vĩnh Long (BVĐK) có dấu hiệu cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để “tiếp tay” cho 02 phòng khám tại TP. Hồ Chí Minh hoạt động không đúng quy định của pháp luật.

 

Theo đó, trong căn nhà mà người nước ngoài hoạt động “chui”, có đăng ký hoạt động Phòng khám Bác sĩ gia đình, thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tulip, địa chỉ 43, Đường số 7, KP. 5, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM (Phòng khám Bác sĩ gia đình). Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bác sĩ Đoàn Nhật Trung, chứng chỉ hành nghề số xxx6887/HCM-CCHN, thời gian làm việc là từ 7h00 – 22h00, thứ Hai đến Chủ nhật.

Bác sĩ Đoàn Nhật Trung làm việc tại BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long

Bác sĩ Đoàn Nhật Trung làm việc tại BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long

Trong quá trình thu thập thông tin, phóng viên phát hiện Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xuyên Á – Vĩnh Long có một bác sĩ hiện là Phó trưởng Khoa khám bệnh cũng tên Đoàn Nhật Trung, chứng chỉ hành nghề số xxx6887/HCM-CCHN. Lịch làm việc của bác sĩ Trung tại BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long là từ thứ Hai đến Chủ nhật, trong giờ hành chính. Như vậy lịch làm việc của bác sĩ Trung tại BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long trùng với phần lớn thời gian Phòng khám Bác sĩ gia đình đăng ký hoạt động và 02 cơ sở này có khoảng cách địa lí hơn 130km.

Trong khi Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2026 của Chính phủ quy định rõ, người hành nghề không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm.

Do đó, nếu bác sĩ Đoàn Nhật Trung tại BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long và Phòng khám Bác sĩ gia đình là cùng một người, thì đây không chỉ đơn thuần là hành vi đăng ký cùng thời gian làm việc, mà còn có dấu hiệu cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, để hợp thức hóa hồ sơ giúp Phòng khám Bác sĩ gia đình hoạt động.

Còn đối với Phòng khám Bác sĩ gia đình, nếu người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật không làm việc cơ hữu tại cơ sở, thì phòng khám này đã không bảo đảm một trong các điều kiện, sau khi được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Một bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của 02 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh?

Ngày 11/9/2023, phóng viên đến đăng ký làm việc với lãnh đạo BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long để xác minh thông tin về bác sĩ Đoàn Nhật Trung. Nhân viên tại đây cho biết lãnh đạo đang bận sẽ trả lời sau, nhưng đến nay đã hơn 01 tháng phóng viên vẫn chưa nhận được hồi âm.

Trong thời gian chờ thông tin chính thức từ BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long, phóng viên tiếp tục phát hiện bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng - Phó Giám đốc BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long cũng có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc đăng ký hành nghề.  

Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng tại huyện Hóc Môn, TP. HCM in tên bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng trên bảng hiệu

Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng tại huyện Hóc Môn, TP. HCM in tên bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng trên bảng hiệu

Cụ thể, theo danh sách đăng ký hành nghề của BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long, bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng, chứng chỉ hành nghề số xxx9045/HCM-CCHN là Phó giám đốc chuyên môn, chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện. Bác sĩ Tưởng làm việc tại BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long từ ngày 27/2/2021, lịch làm việc từ thứ Hai đến Chủ nhật, trong giờ hành chính.

Thế nhưng, theo thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, tại Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng ở số 8/72, Khu phố 2, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP. HCM (Phòng khám Tai Mũi Họng) cũng có một bác sĩ tên Nguyễn Kim Tưởng, chứng chỉ hành nghề số xxx9045/HCM-CCHN, là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Giờ làm việc phòng khám này đăng ký với Sở Y tế TP. HCM là 17h00 – 22h00, từ thứ Hai đến thứ Bẩy, còn Chủ nhật thì làm từ: 7h00 - 22h00.

Một bác sĩ mặc áo bluose có in logo của BVĐK Xuyên Á đang khám cho bệnh nhân tại Phòng khám Tai Mũi Họng ở huyện Hóc Môn

Một bác sĩ mặc áo bluose có in logo của BVĐK Xuyên Á đang khám cho bệnh nhân tại Phòng khám Tai Mũi Họng ở huyện Hóc Môn

Nếu các thông tin trên là chính xác, bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng đã có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc hành nghề, quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ: “Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Ghi nhận của phóng viên tại Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, phía trước bảng hiệu ghi tên bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng, địa chỉ 48/10 Nguyễn Ảnh Thủ, Bà Điểm, Hóc Môn. Có thể địa chỉ nơi này đã thay đổi nên khác với thông tin ghi trên Website của Sở Y tế TP. HCM.

Theo danh sách nhân sự thì phòng khám này có 2 bác sĩ là Nguyễn Kim Tưởng và Trần Thị Tuyết Sương. Thế nhưng, rất nhiều lần chúng tôi đến khám bệnh, các bác sĩ tại đây lúc thì nói bác sĩ Tưởng đi học, lúc bảo đi công tác, có khi lại thông báo đã chuyển về Vĩnh Long,... còn bác sĩ Sương thì hiện không còn làm ở đây!?

Bên cạnh đó, dù không cùng thời gian hành nghề như bác sĩ Trung, nhưng trong vòng 30 phút (từ 16h30 – 17h00), bác sĩ Tưởng có thể di chuyển bằng cách nào để vượt qua quãng đường với khoảng cách hơn 130km từ BVĐK Xuyên Á – Vĩnh Long đến Phòng khám Tai Mũi Họng tại huyện Hóc Môn, TP. HCM?

Như vậy, cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng có cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, để Phòng khám Tai Mũi Họng được phép hoạt động không?

Góc nhìn khác, nếu không có hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, thì  việc vắng mặt nhiều ngày, bác sĩ Tưởng ủy quyền cho ai quản lý phòng khám khi vắng mặt và có thực hiện việc báo cáo theo quy định của Bộ Y tế?    

Cũng như đối với Phòng khám Bác sĩ gia đình, một khi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật không có mặt thường xuyên tại Phòng khám Tai Mũi Họng và đang làm việc cơ hữu tại BVĐK Xuyên Á - Vĩnh Long, thì phòng khám này đã có dấu hiệu vi phạm “không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...”.

Thiết nghĩ, nếu bác sĩ Đoàn Nhật Trung và bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng chỉ đứng tên, chứ không làm việc trên thực tế, có thể khiến hoạt động của các phòng khám này không bảo đảm được tính liên tục, ổn định trong việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, quyền lợi của người bệnh.

Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc làm rõ hành vi của các bác sĩ và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kể trên. Nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm và công khai với dư luận, để cảnh báo, răn đe chung trong toàn ngành.

Căn cứ Nghị định 117/2020/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ:

Đối với hành vi cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mức phạt sẽ từ 30.000.000đ – 40.000.000đ và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22 đến 24 tháng.

Khi bác sĩ là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật từ hai cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trở lên thì mức phạt sẽ từ 5.000.000đ – 10.000.000đ, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 1 đến 3 tháng.

Trường hợp người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật không có mặt tại phòng khám trong thời gian đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật thì cũng bị phạt từ 5.000.000đ – 10.000.000đ, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ 1 đến 3 tháng. Lưu ý là nếu có ủy quyền thì cũng phải ủy quyền đúng quy định của Bộ Y tế, không thì vẫn vi phạm.

Còn nếu phòng khám Bác sĩ Gia Đình và Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì mức phạt sẽ từ 6.000.000đ – 10.000.000đ đối với tổ chức vi phạm. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 2 – 4 tháng.

Theo Hồ Ninh/Sức khỏe 24h