"Đánh" bản quyền Quốc ca: Cha đẻ không lấy tiền, kẻ ăn theo kiếm lợi?

08/12/2021 10:14:06

Vụ bài Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup đang gây bức xúc trong dư luận.

Chuyện như… trò hề

Độc giả TeoSG không giấu được sự búc xúc khi chia sẻ: “Người Việt Nam không nghe được Quốc ca Việt Nam trong trận đấu có đội tuyển Việt Nam thi đấu vì "e ngại" bản quyền! Thật vớ vẩn quá sức tưởng tượng”.

Đây cũng là ý kiến chung của nhiều độc giả. Ví dụ như bạn Công Đức hay Tam Huỳnh, Hằng Trần đều cho rằng đây là vấn đề không thể hiểu nổi hay phi lý: “Tại sao Nhà nước ta không phát hành Quốc ca mà lại để cho người khác sở hữu, mỗi lần muốn sử dụng thì lại xin phép, thật phi lý”; “Việc này cần cơ quan chức năng vào cuộc làm cho rõ. Quốc ca của một quốc gia mà đòi đánh bản quyền là sao. Không thể hiểu nổi”; “Không thể chấp nhận được. Quốc ca của một dân tộc mà lại bị một cá nhân/đơn vị đăng ký bản quyền, khi hát Quốc ca phải đăng ký, đánh bản quyền”;…

Thậm chí, độc giả Phạm Long còn phải thốt lên: “Đến Quốc ca còn phải có “bản quyền” mới được sử dụng? Đúng trò hề...”. Trong khi đó, bạn Hòa thì bày tỏ: “Những việc tưởng như không bao giờ xảy ra thì bây giờ đã hiển hiện”.

Độc giả Việt Nam đưa ra đề nghị rất quyết liệt: “Trận bóng không thể đá khi không có Quốc ca. Đề nghị VTV không nên phát các trận VN đá nếu không có Quốc ca”. Và cùng góc nhìn, bạn Châu Tuấn cho rằng: “Tóm lại là có kiến nghị giải pháp gì để xử lý tổ chức, cá nhân ngắt Quốc ca Việt Nam trận tuyển Việt Nam gặp tuyển Lào và có thể là cả trong các trận bóng tới không?”.

Cầu thủ hát Quốc ca là phần không thể thiếu trong mỗi trận bóng.

Quy định về bản quyền có phù hợp?

Giải thích về vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận, bạn Tô Thiên Bảo Quân viết: “Cấp phép bản quyền sử dụng bản ghi âm của Quốc ca, chứ không phải cấp phép bản quyền sử dụng lời và nhạc của Quốc ca. Bản ghi âm có bản quyền của nó. Giống như Romeo & Juliet, bản quyền miễn phí, ai cũng có thể dùng kịch bản để làm phim, đóng kịch, nhưng bác đi xem phim, xem kịch vẫn phải trả tiền”.

Còn bạn Nguyễn Nam cho biết: “Lời bài hát thì không đánh bản quyền. Nhưng nhạc và phối âm chắc chắn bị đánh bản quyền nếu bất kỳ ai sử dụng bản phối âm đó. Phối âm là công sức cả nhạc sĩ và họ có quyền bảo vệ công sức của họ. Quan trọng là BTC lấy bản phối âm đó của ai để sử dụng. Cũng như hàng công nghệ, họ có thể sử dụng vật liệu, chip, bo mạch của hãng khác nhưng logo chắc chắn thuộc sở hữu của họ. Còn bạn, bạn có thể phối âm lại bài Quốc ca và giữ đó làm bản quyền cho mình vì lời bài hát tác giả đã tặng cho Tổ quốc”.

Độc giả Phi Long còn phân tích thêm: “Kể cả khi bạn tự làm bản khác nếu nền nhạc giống một số % trong bản đã đăng ký bản quyền trước đó thì hệ thống tự động thông báo vi phạm bản quyền. Lỗi này thuộc về đơn vị thu âm và bán lại cho công ty khác để đăng ký trên kênh YouTube”.

Ở một góc nhìn khác, bạn Lê Minh đặt câu hỏi: “Khi phối khí bài hát Quốc ca, xin hỏi đơn vị phối khí đã xin phép bản quyền chưa?”. Tán đồng ý kiến này, độc giả Lê Huy cho biết: “Gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân, Nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia. Do đó các hãng đĩa thực hiện bản ghi cần xin phép Việt Nam mới có quyền thực hiện và sở hữu bản ghi”.

Bạn Manh Hai lại đặt vấn đề ở một khía cạnh khác - cũng rất đáng quan tâm: “Nếu đơn vị nào đó sản xuất hình ảnh, clip và thuê các ca sĩ hát thì bản quyền của clip, giọng hát của các ca sĩ hát tại clip đó thuộc về họ. Nhưng nếu các cầu thủ hát mà đánh bản quyền thì không đúng vì họ không hát thuê cho đơn vị nào cả. Họ hát vì họ, vì niềm tự hào dân tộc. Nếu đơn vị nào đó đánh bản quyền nền nhạc Quốc ca là sai và có thể kiện lại họ, thậm chí đơn vị đấy ở nước ngoài”.

Cần có một bản Quốc ca cho cả đất nước

Đó là đề nghị của rất nhiều độc giả VietNamNet trước vấn đề đang được quan tâm. Bạn Ngọc Hưng chia sẻ: “Đã đến lúc Chính phủ quyết định phát hành một bản Quốc ca cho cả nước. Những bản Quốc ca khác không phải nhà nước phát hành thì coi như không giá trị để khỏi gặp rắc rối”.

Độc giả SonQuangTQ bình luận: “Rốt cuộc cần có quy định rõ cấm các công ty sử dụng bản nhạc và lời bài hát Quốc ca để nhằm mục đích kinh doanh. Nếu doanh nghiệp muốn thu âm bài hát trên thì phải nộp tiền để được Bộ Văn hóa cấp quyền sử dụng vào mục đích kinh doanh. Khi đó doanh nghiệp chắc sẽ không lợi dụng việc thu âm để đăng ký bản quyền và lợi dụng nhạc và lời của bài hát này để kinh doanh”.

Bạn Lai Thang cũng tán đồng việc cần có một luật rõ ràng: “Nên có luật quy định đàng hoàng ai, tổ chức nào... được sử dụng Quốc ca. Không thể để các tổ chức cứ thích là nhận bản quyền. Tổ chức trong nước không nói, tới cả tổ chức nước ngoài cũng nhận là sao?”.

Bạn Phạm Chương đề nghị các ban ngành vào cuộc để làm rõ vấn đề: “Chẳng lẽ một quốc gia có chủ quyền lại phải xin phát bài Quốc ca của chính quốc gia mình hay sao? Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm rõ”.

Trong khi đó, bạn Tu Le đưa ý kiến: “Nhạc sĩ Văn Cao hiến bản quyền cho Nhà nước là mong rằng ai cũng có thể tiếp cận với bài hát và không có giới hạn mọi người tiếp. Bộ Văn hóa nên thay mặt Nhà nước quy định bất cứ người nào làm nhạc quốc ca phải cho sử dụng miễn phí (nếu không ai làm thì nhà nước làm bản chuẩn đưa lên YouTube). Như vậy mới đúng ý nguyện của nhạc sĩ và không nực cười: cha đẻ thì không lấy tiền, kẻ ăn theo công khai kiếm lợi”.

Đây thực sự là ý kiến đáng suy ngẫm bởi chính họa sĩ Văn Thao – con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, cũng bức xúc: “Gia đình tôi thấy rất buồn, lạ và vô lý trước sự việc Quốc ca bị "đánh gậy bản quyền". Nhân dân còn bức xúc nữa là gia đình tôi. Họ đã xâm phạm bản quyền của quốc gia”.

Theo Lê Cúc/VietnamNet(tổng hợp)