Điển hình, gần đây Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thông báo Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) đã hoàn thành việc bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu phát hành vào cuối tháng 12/2021.
Việc bổ sung tài sản đảm bảo diễn ra trong bối cảnh giá trị tài sản đảm bảo gốc bị suy giảm xuống dưới mức cho phép theo điều khoản và điều kiện của đợt phát hành trái phiếu.
Cụ thể, khi phát hành đợt trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng, Phát Đạt đã sử dụng khoảng 10 triệu cổ phiếu PDR do ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt) sở hữu làm tài sản bảo đảm. Giá thị trường của cổ phiếu PDR khi đó dao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/ cổ phiếu.
Đến tháng 4, sau khi Phát Đạt chia cổ tức bằng cổ phiếu 36%, số cổ phiếu cầm cố tăng lên gần 15 triệu cổ phiếu và giá điều chỉnh về mức khoảng 70.000 đồng/ cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu PDR liên tục lao dốc theo đà giảm của thị trường xuống vùng 5x những phiên gần đây.
Sau khi bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR, tổng giá trị tài sản bảo đảm/ dư nợ trái phiếu đã tăng lên 183%. Nếu giá cổ phiếu PDR tiếp tục giảm khiến tỷ lệ này thấp hơn 180%, thì Phát Đạt phải bổ sung tài sản bảo đảm.
Phát Đạt không phải là doanh nghiệp duy nhất dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo để huy động trái phiếu.
Có thể kể đến như Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest; MCK: HPX). Cụ thể, ở thời điểm 31/3/2022, tổng nợ của Hải Phát Invest là 6.743 tỷ đồng – tăng 691 tỷ đồng tương đương 10,2% so với thời điểm cuối năm. Trong đó, nợ ngắn hạn và dài hạn bằng trái phiếu là 4.610 tỷ đồng, chiếm tới gần 70% tổng nợ và tăng 16,5% so với thời điểm cuối năm 2021.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng dư nợ trái phiếu của Hải Phát Invest là 3.957 tỷ đồng, tăng gần 132% so với cuối năm 2020. Trong đó, số phải trả trong vòng 12 tháng là 1.788 tỷ đồng. Nợ gốc trái phiếu đến hạn trong năm 2022 còn lớn hơn doanh thu của cả năm 2021 (1.417 tỷ đồng).
Theo thuyết minh từ bản báo cáo tài chính, tùy từng khoản vay, Hải Phát Invest chịu điều kiện trả lãi 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần. Giới đầu tư đánh giá việc này sẽ gây áp lực trả lãi lớn lên Hải Phát trong thời gian tới, trong khi việc dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo đang gặp rủi ro rất lớn bởi vì giá cổ phiếu HPX đã giảm hơn 30% kể từ đỉnh.
Giai đoạn cổ phiếu HPX “thăng hoa” nhất cũng chính là giai đoạn mà doanh nghiệp này phát hành trái phiếu dồn dập. Giá cổ phiếu giảm tương đương với việc giá trị tài sản đảm bảo giảm mạnh, các khoản vay nói trên sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo.
Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ hơn, việc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ của Hải Phát Invest sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, vấn đề thanh khoản của Hải Phát Invest đang gặp nhiều vấn đề.
Tương tự, vào năm 2021, Công ty CP Đạt Phương (HDG) cũng đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào ngày 28/10/2024. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng 19 triệu cổ phần DPG thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Số tiền thu về từ đợt phát hành để bổ sung vốn phục vụ kinh doanh hoặc/và đầu tư các dự án của Đạt Phương và các công ty con.
Lãi suất trái phiếu là 10,5% cho năm đầu tiên. Kể từ năm thứ hai, lãi suất tính bằng tổng 3,5%/năm cộng lãi tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trả sau áp dụng với khách hàng cá nhân của 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank, và không dưới 10,5%/năm. Lãi trả định kỳ 6 tháng/lần.
Tính đến thời điểm cuối quý 3/2021, Đạt Phương vay nợ tài chính 2.495 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,5 lần. Trong đó 64% là vay dài hạn, còn lại là vay ngắn hạn. Trong đó, có khoản vay ngắn hạn cá nhân tại Công ty CP Đạt Phương Hội An để phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất 12% một năm.
Dư nợ trái phiếu là 108 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 11,5%/năm được trả định kỳ 6 tháng. Lô trái phiếu này cũng được bảo đảm bằng các cổ phiếu đang lưu hành và tự do chuyển nhượng của công ty thuộc sở hữu của Ban lãnh đạo.
Vào thời điểm Đạt Phương phát hành trái phiếu, giá cổ phiếu DPG trên thị trường từng đạt đỉnh ở ngưỡng 90.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên hiện nay giá DPG đang giao động ở vùng 5X/cổ phiếu.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 2 tháng đầu năm 2022, thị trường ghi nhận 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với tổng giá trị 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị trái phiếu phát hành trái ra công chúng tăng 31% và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%. Như vậy, thị trường trái phiếu vẫn đang tăng nóng.
Và với việc thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một đợt điều chỉnh mạnh từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu giảm từ 40 – 60% giá so với mức đỉnh. Có thể trong thời gian sắp tới, nhiều doanh nghiệp sử dụng cổ phiếu để bảo đảm cho các đợt phát hành trái phiếu phải bổ sung tài sản bảo đảm.
Theo Gia Bình/Nhà quản lý
11/11/2020 09:31:43
11/11/2020 09:34:17
11/11/2020 09:37:46
11/11/2020 09:44:22
11/11/2020 09:52:20
15/11/2020 10:30:20
15/11/2020 13:21:30
14/12/2020 20:21:11
19/12/2020 18:24:04
01/01/2021 17:46:51